Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã có các giải pháp, cơ chế chính sách để phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp như hỗ trợ giống, công cụ sản xuất, phát triển trang trại…Tuy vậy, quy mô các mô hình còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa ứng dụng được công nghệ tiên tiến, hiện đại nên hiệu quả kinh tế thấp; liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững; việc xây dựng, quảng bá thương hiệu và đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử còn hạn chế, người dân chưa thực sự tin tưởng sẽ làm giàu được từ nông nghiệp.
Từ thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã bàn và thống nhất ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế, nhất là cơ chế hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất hoa, dưa, rau, củ, quả chất lượng cao trong nhà lưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel để khuyến khích người dân sản xuất; đồng thời, giao Ban Chỉ đạo(BCĐ) thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện chỉ đạo, khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình thí điểm ở xã Nghi Long.
Anh Trần Quốc Tuấn - xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Long là hộ dân đầu tiên làm thí điểm mô hình xây dựng nhà lưới theo chủ trương của trên để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trồng hoa ly cho biết: nhờ sự hỗ trợ về giống hoa, tôi đầu tư làm 1 sào, với gần 10 nghìn gốc, thời gian từ 75 - 85 ngày cho thu hoạch (mỗi gốc có giá bán từ 25 - 35 nghìn đồng); trừ chi phí, lợi nhuận gần 80 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động, thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Sau vụ hoa, anh chuyển sang trồng 2.000 gốc dưa Hàn Quốc (mỗi gốc cho 1 quả, có trọng lượng từ 0,7 - 1,5 kg, giá bán từ 35 - 50 nghìn đồng/kg), các thương lái đến trực tiếp tại vườn thu mua hết, trừ chi phí cho lãi ròng 35 triệu đồng.
Ảnh : Đ/c Phạm Hồng Quang - Bí thư Huyện uỷ và đ/c Đinh Thị Tâm - PBTTT Huyện ủy, Trưởng BCĐ thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Nghi Lộc cùng đoàn tham quan mô hình trồng hoa ly đầu tiên tại hộ anh Trần Quốc Tuấn - xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Long năm 2017.
Đánh giá từ mô hình thí điểm của anh Tuấn, BCĐ phong trào thi đua “Dân vận khéo” xã Nghi Long nhận thấy ưu điểm rõ rệt của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã hạn chế tối đa ảnh hưởng của thời tiết đến hoa màu, sản xuất ổn định, sản phẩm cho giá trị cao, đúng thời vụ, giải quyết nhiều việc làm cho nông dân, mang lại thu nhập cao cho các hộ gia đình. Vì vậy, BCĐ phong trào thi đua “Dân vận khéo” xã đã phân công từng thành viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kiên trì “khéo” vận động nhân dân thay đổi tư duy chuyển đổi sản xuất ngoài trời sang sản xuất trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Nghi Long đã nhân rộng thêm 13 mô hình nhà lưới (diện tích 7.900 m2) trồng các loại hoa, quả cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm; giải quyết được trên 28 lao động, với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Tại xã Nghi Trung, qua trao đổi, đồng chí Nguyễn Đình Chiến - Trưởng khối Dân vận cho hay: xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận, “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, xã đã “khéo” tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng thành công 5 mô hình nhà lưới (có 3 nhà lưới trồng dưa, rau màu các loại, 2 nhà lưới trồng nho), diện tích 9.000m2, kinh phí hơn 3,0 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 950 triệu đồng), cung cấp thị trường trong tỉnh và Hà Nội; doanh thu hàng năm trên 1,5 tỷ đồng; giải quyết việc làm ổn định cho 15 lao động, thu nhập từ 5,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng, còn các lao động theo thời vụ là 3,5 - 4 triệu đồng/lao động. Ngoài nguồn lợi từ thu hoạch sản phẩm, 2 mô hình trồng nho còn thu hút khách thập phương về để tham quan, trải nghiệm, chụp hình, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.
Ảnh 2: Đ/c Nguyễn Đình Chiến - Trưởng khối dân vận trao đổi về xây dựng mô hình nhà lưới để trồng dưa, rau các loại và trồng nho ở xã Nghi Trung.
Học tập mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới có hiệu quả tại các xã, BCĐ phong trào thi đua “Dân vận khéo” xã Nghi Phong đã tích cực vận động nhân dân áp dụng xây dựng 5 mô hình nhà lưới để sản xuất nông nghiệp. Qua tìm hiểu, tại Hợp tác xã(HTX) Bắc Miền Trung (xã Nghi Phong) do anh Nguyễn Văn Thiên làm Giám đốc cho biết: năm 2021 đầu tư 3.000m2 nhà lưới để trồng 6.000 gốc dưa, mỗi gốc 1 quả, giá 50 - 70 nghìn đồng/kg, cung cấp thị trường Hà Nội, thành phố Vinh, sản phẩm làm ra được bao tiêu hết. Vụ đầu cho sản lượng 8 tấn, trừ hết chi phí, lãi ròng 50 triệu đồng/vụ, thấy sản xuất theo hướng công nghệ cao hiệu quả, HTX tiếp tục mở rộng thêm 2.000 m2 để trồng dưa và 3.000m2 để trồng nho. Sắp tới HTX sẽ phối hợp tuyên truyền, quảng bá sản phẩm vườn nho trên hệ thống mạng xã hội, cổng thông tin điện tử của xã, kết nối với trường học ở Nghi Lộc và các vùng phụ cận để thu hút các du khách, các em học sinh về tham quan, trải nghiệm tại vườn nho. Đây là hướng đi mới của hợp tác xã để thu hút du khách tìm đến với du lịch canh nông.

Ảnh : Anh Nguyễn Văn Thiên - Giám đốc Hợp tác xã Bắc Miền Trung trao đổi về cách trồng dưa trong nhà lưới.
Ảnh : Cán bộ kỹ thuật đang chăm sóc tại vườn nho và vườn dưa của HTX Bắc Miền Trung.
Cũng tại HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại xã Phúc Thọ, do anh Nguyễn Tiến Dũng làm giám đốc cũng được hưởng cơ chế của tỉnh, huyện, xã; anh cùng các thành viên đã xây dựng 3.054 m2 nhà lưới để trồng dưa lưới và dưa chuột(2 vụ dưa lưới, 1 vụ dưa chuột), với vốn đầu tư ban đầu là 1,100 triệu đồng. Vụ đầu tiên trồng 3.700 gốc, 1 gốc 1 quả, có trọng lượng 1,0 - 1,4 kg, giá bán sỉ là 40 nghìn đồng/kg, bán lẻ là 50 nghìn đồng/kg, sản lượng thu hoạch vụ đầu tiên cho 4,9 tấn dưa lưới, trừ các chi phí lãi ròng 70 triệu đồng/vụ; còn dưa chuột anh trồng 3.500 gốc, mỗi gốc ít nhất cho 2 kg quả, có giá 20 nghìn đồng/kg, trừ đi các chi phí cho lãi ròng 40 triệu đồng/vụ; giải quyết thường xuyên 3 lao động, thu nhập 6,5 triệu đồng/người/tháng và 3 lao động thời vụ, thu nhập từ 2,0 - 2,5 triệu đồng. Nguồn sản phẩm đầu ra không đủ cung cấp cho thị trường người tiêu dùng.
Nhận thấy mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế hiệu quả cho nông dân, Huyện ủy Nghi Lộc đã ban hành Đề án số 13-ĐA/HU, ngày 03/10/2022 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025; đến nay, Nghi Lộc đã hỗ trợ và phát triển được 30 mô hình nhà lưới sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, diện tích trên 78.323 m2, kinh phí đầu tư 36.879 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 8.350 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp) để sản xuất dưa, nho, dâu tây, rau, củ quả…Sản lượng hàng năm đạt 306,8 tấn; doanh thu hàng năm đạt trên 14.539 triệu đồng, thu nhập(lãi ròng) đạt 7.763 triệu đồng (gấp 5 đến 10 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường); tạo việc làm cho trên 145 lao động, với thu nhập ổn định đạt bình quân 79 triệu đồng/người/năm.
Song song với việc tham mưu hỗ trợ về mặt kinh phí, BCĐ phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng đã phối hợp tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại; hỗ trợ liên kết sản xuất và ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất an toàn cho nông dân. Đến nay, 6 xã: Nghi Trung, Phúc Thọ, Nghi Long, Nghi Phong, Nghi Thạch, Nghi Hưng có sản phẩm dưa lưới được công nhận Ocop 3 sao và đã đưa được sản phẩm lên giới thiệu, bán hàng qua kênh thương mại điện tử Postmart; hỗ trợ 9 xã xây dựng mã QR cho các sản phẩm trên địa bàn; xây dựng và đăng ký 12 nhãn hiệu sản phẩm, 03 bằng nhãn hiệu tập thể, 09 mô hình sản xuất theo quy trình VietGap.
Ảnh : Sản phẩm dưa Huỳnh Long và Dưa Lưới xã Nghi Trung.
Mô hình “khéo” vận động ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường đã lan toả trong nhân dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội nói chung, nông dân nói riêng; đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời mô hình đã thay đổi được phương thức sản xuất lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, thay thế thuốc bảo vệ thực vật hoá học thành phân bón và thuốc vi sinh; thực hiện tốt liên kết giữa 4 nhà: nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp - khoa học; từng bước khắc phục tình trạng phụ thuộc vào thiên nhiên, vào thời vụ trong sản xuất nông nghiệp và tận dụng, sử dụng hết, phát huy hiệu quả quỹ đất bạc màu trước đây bỏ hoang do khó sản xuất.
Nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hoá ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn gắn với chuyển đổi số đã bước đầu hình thành và có nhiều chuyển biến ở nông dân Nghi Lộc. Đã có một số mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao theo tư duy kinh tế nông nghiệp và hình thành một số “ông chủ” trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Liên kết sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng và chặt chẽ, giúp thị trường tiêu thụ nông sản ngày một ổn định, bền vững hơn. Thời gian tới, BCĐ phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì các cơ chế chính sách để hỗ trợ cho người dân yên tâm sản xuất và phấn đấu 100% nhà lưới ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, tự động hoàn toàn; đến năm 2025 có thêm 9 - 10 mô hình nhà lưới ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, diện tích từ 36.000 m2 đến 40.000 m2.
Đồng Bính Định.
Huyện uỷ viên, Phó Trưởng ban Ban dân vận Huyện uỷ Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An