image banner
Một số giải pháp phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng Huyện Nghi Lộc giai đoạn 2022-2025

 

 

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số huyện Nghi Lộc, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Trước hết, cần xác định rõ mục tiêu là từng bước thực hiện chuyển đổi hoạt động của các cơ quan nhà nước lên môi trường số; coi chuyển đổi số là bắt buộc, mang tính mặc định, toàn diện; Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ tiện ích số mang lại giá trị gia tăng cho mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, thân thiện, dễ dàng sử dụng. Từng bước hình thành văn hoá số, người dân có thói quen sử dụng dịch vụ số; Triển khai các nhiệm vụ ứng dụng và phát triển CNTT đảm bảo tuân thủ kiến trúc chính quyền điện tử huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; Bổ sung, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT; xây dựng và hoàn thiện các Hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành góp phần xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số huyện Nghi Lộc.

Từng bước hoàn thiện quy chế, quy định pháp lý. Tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo mật trong công tác quản lý, điều hành công việc, trao đổi văn bản điện tử qua mạng của các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị; Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến; Đề xuất các quy định gắn chặt hoạt động ứng dụng CNTT của tổ chức, đơn vị với công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

Phát triển hạ tầng số. Quan tâm đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan Nhà nước: trang thiết bị CNTT; hạ tầng mạng LAN; mạng Internet tốc độ cao;... đảm bảo các điều kiện cần thiết sẵn sàng thực hiện kết nối, triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung của huyện; Nâng cao hiệu quả ứng dụng và mở rộng kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước từ huyện đến xã, thị trấn phù hợp với phạm vi và tính chất ứng dụng của các hệ thống thông tin, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, kết nối, an toàn thông tin; Duy trì hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ  huyện đến xã, thị trấn; Xây dựng và phát huy hiệu quả Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) huyện Nghi Lộc.

Phát triển dữ liệu số. Các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện tiếp tục triển khai, ứng dụng và phát triển các HTTT, CSDL chuyên ngành do tỉnh và các Bộ, ngành trung ương đã triển khai trên địa bàn huyện; Từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số; số hóa, xây dựng dữ liệu nền, CSDL dùng chung, các CSDL chuyên ngành, tạo lập kho dữ liệu dùng chung của tỉnh và tổ chức dữ liệu mở phục vụ xã hội; cung cấp danh mục dữ liệu đã được số hóa theo quy định để tổ chức tích hợp, chia sẻ cho các HTTT của các cơ quan nhà nước bảo đảm dữ liệu được thu thập một lần; kết nối với các CSDL, HTTT Quốc gia, HTTT triển khai từ trung ương đến địa phương, đảm bảo theo quy định tại  Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Kiến trúc CQĐT của tỉnh Nghệ An; Triển khai số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin dùng chung, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành trọng điểm phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp hoặc tham gia triển khai các hệ thống do tỉnh và các bộ, ngành triển khai tại địa phương (CSDL, HTTT về: dân cư, đất đai, quy hoạch, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục, tài nguyên, môi trường, bảo hiểm, đăng ký doanh nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức, lao động; chính sách, an sinh xã hội; hộ nghèo; người có công; lao động, việc làm; thông tin truyền thông; nông nghiệp, nông thôn, TTHC, văn hóa, du lịch,...) đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp,  theo định hướng của tỉnh tại Quyết định số 3624/QĐ-UBND, ngày 05/10/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Nghệ An; Xây dựng CSDL không gian địa lý cung cấp hạ tầng dữ liệu thiết yếu cho vận hành, phát triển Chính quyền điện tử, Đô thị thông minh.

Phát triển các ứng dụng, dịch vụ. Tiếp tục triển khai các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ quản lý điều hành: hệ thống Cổng thông tin điện tử; hệ thống dịch vụ công trực tuyến; một cửa điện tử hệ thống quản lý văn bản điều hành, thư điện tử, chữ ký số; hội nghị truyền hình trực tuyến của huyện... Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của huyện, phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền trong huyện để rút ngắn thời gian họp, giảm giấy tờ hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan nhà nước; Triển khai hiệu quả hệ thống báo cáo, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia...Tiếp tục đẩy mạnh và sử dụng hiệu quả Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin  và giải quyết thủ tục hành chính tỉnh  để cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Quyết liệt triển khai nhiệm vụ số hóa hồ sơ, giấy tờ theo Kế hoạch của Chính phủ, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; triển khai các giải pháp thực hiện nhằm tăng số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC qua mạng; Đảm bảo thực hiện cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp; tiếp tục tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của huyện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình và chỉ đạo của Chính phủ; Thực hiện tốt Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu chính công ích nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.

Bảo đảm an toàn thông tin. Xây dựng các hệ thống kỹ thuật bảo đảm An toàn thông tin phục vụ phát triển chính quyền điện tử; triển khai các hoạt động bảo đảm An toàn thông tin theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ. Thường xuyên rà soát, cập nhật, phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin; triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động của cơ quan nhà nước.Tiếp tục triển khai, duy trì bảo đảm an toàn thông tin mô hình 4 lớp cho các hệ thống dùng chung của tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ưu tiên thực hiện thuê dịch vụ CNTT để bảo đảm an toàn thông tin, ưu tiên cho các hệ thống cung cấp thông tin và DVCTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Định kỳ hàng năm tổ chức tập huấn bảo đảm an toàn thông tin mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức nhà nước và người dùng Internet trên địa bàn; tham gia các khóa bồi dưỡng về quản lý, kỹ thuật về an toàn thông tin do tỉnh tổ chức. Thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.

Phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng kế hoạch tuyển dụng 01 công chức chuyên trách CNTT công tác tại Cơ quan HĐND-UBND huyện. Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp về phát triển chính quyền số.Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các cán bộ chuyên trách, phụ trách CNTT của các cơ quan, đơn vị trong huyện; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về: kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc; kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số. Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về phát triển chính quyền điện tử, chính phủ điện tử. Cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn an toàn, an ninh thông tin và diễn tập ứng cứu sự cố do tỉnh tổ chức.

Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, doanh nghiệp, nhằm tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần thực hiện tốt nhất các mục tiêu phát triển KT-XH của huyện nhà.

 

                                                                                                                           Trung Thành

TIN MỚI
BẢN ĐỒ HUYỆN NGHI LỘC
image

Tin tức
  • NGHI LỘC TÍCH CỰC TRỒNG RỪNG ĐẦU XUÂN
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGHI LỘC
Chịu trách nhiệm nội dung: UBND huyện Nghi Lộc
Trụ sở: K6 thị trấn Quán Hành, Huyện Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0919.523.909 - 0915.050.987 - Email: truyenhinhnghiloc@gmail.com