image banner
THIÊN KHAI CẨM SẮC (TRỜI MỞ SẮC ĐẸP)

Cương Quốc Công Từ - đền thờ Cương Quốc Công, dân gian nôm na là đền Nguyễn Xí hoặc nhà thờ họ Nguyễn Đình. Công trình tâm linh khởi lập năm 1467 theo lệnh Vua Lê Thánh Tông với thể thức “quốc tạo quốc tế” (nhà nước lập dựng nhà nước tế lễ). Vượt qua bão tố thiên tai và sóng gió biển đời, đến mùa xuân Giáp Thìn - 2024 “cụ” đền linh thiêng 557 tuổi, với hai lần được Nước CHXHCN Việt Nam cấp Bằng Di tích Quốc gia (1990) đối với Đền thờ, Di tích Quốc gia đặc biệt (2021) đối với Quần thể Khu mộ và Đền thờ Nguyễn Xí.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Nguyễn Xí - “ngọn lửa chói sáng”, với cuộc đời 69 mùa xuân thì đã có 60 năm khuông phò sự nghiệp nhà Hậu Lê từ thời còn trứng nước. Nguyễn Xí lên 9 tuổi đã cùng anh trai Nguyễn Biện (12 tuổi) Lam Sơn, Thanh Hoa, được cụ Lê Khoáng thân sinh Lê Lợi nhận làm gia nhân. Năm 20 tuổi Nguyễn Xí “ngọn lửa” đứng dưới cờ nghĩa Lam Sơn để 10 năm ròng nếm mật nằm gai cùng chủ tướng Lê Lợi đẩy đuổi quân xâm lược Minh, giải phóng dân tộc khỏi ách bắc thuộc. Đất nước khải hoàn, liên tục 37 năm (1428-1465) ông là trụ cột xây dựng vương triều Hậu Lê, với trọng trách Phụ nhiếp chính cùng 3 đời Vua Lê lãnh đạo quân dân cả nước bảo vệ vững chắc độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia Đại Việt thế kỷ 15. Cuộc đời-sự nghiệp của Danh tướng Nguyễn Xí được các hậu triều và nhân dân nước Việt ca ngợi, tôn vinh “Thiên cổ vĩ nhân, vạn cổ cương thường” (Vĩ nhân muôn đời, phép tắc muôn đời).

Những lần về cố hương Thượng Xá xã Nghi Hợp (nay là xã Khánh Hợp) huyện Nghi Lộc kính hương Cương Quốc Công, tôi bách bộ chừng 300m từ cổng ngoài Di tích vào tới ngôi Thượng điện đền cổ kính về quy mô tâm linh và về quy mô kiến trúc, càng tâm phục người đời suy tôn ngôi đền thiêng lên hàng “đệ nhất” Di tích lịch sử văn hóa hiện hữu trên đất Nghệ.

Mấy phút bách bộ từ ngoài cổng vào tới Thượng điện đủ cho ta nghiền ngẫm hồn cốt cặp câu đối dựng phía trước hai trụ cổng, bằng chữ quốc ngữ màu vàng chân phương trên nền đỏ cờ, được nhiều người ngợi khen:

Muôn thuở sáng ngời công khai quốc

Ngàn năm oanh liệt chí bình Ngô.

Ngày 12.5.1462  (03 năm trước khi quy tiên) Nguyễn Xí lập Di huấn căn dặn con cháu. Về thể loại, Di huấn thường chỉ nói cái riêng, đóng vai trò "hiến pháp" của gia đình gia tộc, là khuôn vàng thước ngọc để con cháu làm theo. Thế nhưng Di huấn của ông thì trong cái riêng có cái chung, trong cái chung có cái riêng. Điểm đặc biệt nữa là, theo Cương quốc công Nguyễn Xí - Tộc phả - Di huấn - Phụ lục, “Sau khi viết ra đã dâng lên Vua Lê Thánh Tông xin xét duyệt, đóng dấu…” Về pháp lý, Di huấn mà được nhà Vua đích thân xem duyệt, phê chuẩn, đóng dấu (quốc ấn) thì đó là văn bản mang giá trị quốc gia. Di huấn mà mang trong mình giá trị quốc gia hì nghiễm nhiên không bó hẹp trong phạm vi căn dặn con cháu nội tộc nữa rồi. Nói cách khác, bản Di huấn của ông sau khi được Vua xét duyệt, đóng dấu, giá trị nội dung của bản Di huấn đã vượt ra ngoài khuôn khổ gia đình để trở thành bảo bối tinh thần của quốc gia. Ngay sau khi ra đời, bản Di huấn của vị đại thần “hai lần khai quốc” vốn dành cho con cháu, vinh dự được đảm nhận sứ mạng là sản phẩm tinh thần “quốc bảo” của quân dân Đại Việt. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin dẫn phần cuối căn dặn con cháu của bản Di huấn:

“...Ta sinh được 16 con trai và 8 con gái. Con trai lấy vợ Công chúa, con gái lấy chồng Hoàng tôn (con cháu của Vua). Ai cũng được hưởng vinh quang tột mức phẩm chế (chế độ phẩm hàm). Vua còn sắc ban lộc điền công thần. Riêng Ta cũng còn tạu thêm ruộng đất đầm ao tại các phủ, huyện, xã, trong đó có phần đặt làm ruộng tế, có phần chia cho các người lưu giữ làm sản nghiệp lâu dài. Nay các người trông thấy nhà đẹp ruộng tốt, giàu có, thì phải nghĩ đến nỗi vất vả chặt gai phát bụi của Ta. Trông thấy cảnh ca nhi múa hát vui vẻ, thì phải nghĩ đến thời Ta phải gian khổ, nằm tuyết gối đòng. Ta thấy đời Đường (Trung Quốc), Lý Tĩnh là bậc danh tướng nhưng có hai con là Kính và Nghiệp phạm tội làm phản, các người cần lấy đó làm gương để tránh. Đời Tống (Trung Quốc) có Tào Bân cũng là danh tướng nhưng có hai con là Xán và Vĩ lại bước lên đàn tướng lĩnh, các người nên sánh với họ. Các người con cháu phải cẩn thận giữ gìn gia pháp, lấy đạo hiếu để lập công, ấy là con hiền cháu thảo của Ta. Hoặc giả (trái lại), nếu ai gây đầu mối tranh giành nhau thì các ngươi phải làm biểu tâu lên triều đình về tội bất hiếu. Các ngươi hãy cùng nhau ghi nhớ lời dạy này của Ta, không được quên !...” (Trích Di huấn của Cương quốc công Nguyễn Xí (đã khắc bia đá), do ông Nguyễn Đình Điệp dịch, GS NGND Nguyễn Đình Chú hiệu đính, in trong “Cương quốc công Nguyễn Xí, Tộc phả - Di huấn - Phụ lục”, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Đình xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ấn hành năm 1993).

Tìm hiểu sức nặng của bản Di huấn này, người đời sau thường đặt lên “cùng mâm” với bài Chế của Lê Thánh Tông ngợi ca Danh tướng Nguyễn Xí, bài Chế viết năm 1460 sau khi Hoàng tử Lê Tư Thành 18 tuổi lên ngôi Vương (trích):

“…Nguyễn Xí khí độ trầm hùng, tính người cương đại. Giúp Cao hoàng khi mở nước trăm trận gian nan. Phò tiên khảo lúc thủ thành, hết lòng giúp rập. Ra vào hết chức phận tướng Văn tướng Võ, trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều tưởng mộ phong thái, bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh. Tiên đế mất trong lúc Nam tuần, người ân cần nhận lời di chiếu. Ta lên ngôi như mặt trời mới mọc, người hết lòng bày tỏ mưu mô. Tôn miếu xã tắc được vững vàng, Trung Châu Man Di đều thuần phục… Than ôi! Bình nội nạn, chính ngôi Vua, trong đời công lao hơn cả. Thay việc trời, giúp Hoàng đế, nên hết lòng với nước nhà. Ngươi thực bề tôi trung ái, không cần phiền toái nhiều lời” (Sách Đại Việt thông sử, tác giả Lê Quý Đôn, phần Liệt truyện Nguyễn Xí, bản dịch Nguyễn Thế Long, NXBKHXH Hà Nội 1978)

Sử sách Phả hệ đều ghi: Năm Đinh Hợi (1467) kỵ đại tường (mãn tang), Vua Lê Thánh Tông ban 1000 quan tiền, sai Trạng nguyên Nguyễn Trực-Tế tửu Quốc Tử Giám, mang về Thượng Xá khởi dựng “Cương Quốc Công Từ” (Đền thờ Cương Quốc Công) theo chế độ “quốc tạo quốc tế” (nhà nước lập dựng nhà nước tế lễ). Dịp này Trạng nguyên Nguyễn Trực phụng soạn văn bia đề ngày 06.10 năm Quang Thuận thứ 8 (trước kỵ đại tường 24 ngày) khắc lên bia đá đặt tại Đền thờ (trích): “…Ông là người cứng rắn mà sáng suốt, dũng cảm mà nghĩa khí. Gặp lúc hữu sự, có thể dứt tình thân để đặt lợi ích của thiên hạ lên trên (*). Lúc lâm bệnh nặng, ông được Vua sai sứ thần đem biếu tiền thuốc một ngàn quan và liên tiếp gửi lời dụ thăm hỏi. Ông mất giờ Thân ngày 30.10 niên hiệu Quang Thuận (1465), hưởng thọ 69 tuổi có lẻ.Nghe tin ông mất, Vua tiếc than, bỏ triều 3 ngày không ngự, ban nhiều tặng vật, cấp mọi thứ nghi trang tế lễ, một trăm quan tiền, và sai quan Hữu ty lo liệu mọi việc...Từ xưa tới nay, người làm bề tôi mà lúc sống được phong, khi chết được tặng, văn ngợi ca vinh quang không dứt, thật không ai sánh nổi với ông. Một ngày trước khi phát dẫn, các quan đại thần đều hội nhau làm lễ và đến ngày 13.12 năm Bính Tuất (1466) thì an táng ông tại quê nhà huyện Chân Phúc, vốn là đất “thiên trụ” trước đó cũng đã chôn thân phụ của ông…Từ xưa tới nay, người làm bề tôi mà lúc sống được phong, khi chết được tặng, văn ngợi ca vinh quang không dứt, thật không ai sánh nổi với ông”.

(*) nhắc lại sự kiện để bọn phản nghịch tin ông mù thật chứ không phải giả mù, ông đành dậm chết người con trai út thứ 16 mới mấy tháng tuổi.

Anh-tin-bai

Kiến trúc Cương Quốc Công Từ hướng về nam, lưng ngôi đền tựa hướng bắc với quần thể núi non gồm núi Mão, núi Gươm, núi Cồn Thông, núi Voi...ở xa xa; riêng núi Cờ ở phía đông từ xưa đã có tượng đá thần đồng. Tên gọi các ngọn núi càng tăng vẻ đẹp “sơn kỳ thủy tú” trên “cuộc đất thiên trụ” của quốc gia Đại Việt, nơi đã sinh ra vị Danh tướng Danh thần Nguyễn Xí, càng cuốn hút người đời liên tưởng đến sự nghiệp lẫy lừng của VĨ NHÂN LỊCH SỬ-NGƯỜI HAI LẦN KHAI QUỐC. Tách biệt với khu vực dân cư, ngôi đền được nhà nước quy định ba vòng-ba khu vực bảo vệ nghiêm ngặt.

Khu vực I: 137m x 61m=8357m2, gồm các công trình kiến trúc thờ tự.

Khu vực II: 184m x 96m=17664m2 trồng các loại cây lâu năm, cây ăn quả, các loài hoa.

Khu vực III: Phần diện tích còn lại. Trải lắm thiên tai, nhân tai, địch họa, ngôi đền qua nhiều lần trùng tu tôn tạo hiện có (tính từ ngoài vào trong):

A. Khu vực  “Hoa biểu” gồm:

1. Bảng hổ: cao 1,2m, dày 0,25m, dài 2m xây bằng gạch đá. Mặt trước bảng đắp nổi hình con hổ tư thế ngồi, hai chân trước chụm vào nhau trên một mỏm đá, đầu ngẩng cao, mắt nhìn phía trước. Việc thờ hổ không những là tục thờ phổ biến của nhiều đền đài trên khắp nước ta, riêng với đền Cương Quốc Công còn gắn với sự kiện cụ Nguyễn Hội (thân phụ của Nguyễn Xí) qua đời năm 1405 bị hổ vồ nhầm.

2. Tứ trụ: ở sau bảng hổ gồm hai trụ chính, lối đi giữa khoảng 1,5m, hai trụ nhỏ nằm hai bên trụ chính. Giữa mỗi trụ chính và trụ nhỏ nối với nhau bằng bức tường có đắp hình “ông” ngựa tư thế đứng.

B. Cầu ao nằm cách khu vực Hoa biểu chừng 30m, cầu vồng bằng đá xanh Thanh Hóa có lan can bắc qua hai cái ao hình bán nguyệt thông nhau, mỗi ao dài 12 m x 8m, sâu 1,2 mét. Xưa vào mùa hè trong ao có hoa sen tỏa hương thơm, bờ ao trồng dừa, trúc...Nay không còn nữa.

C. Tam quan: toàn bộ Nghi Môn tam quan tọa trên diện tích 16m x 9m, gồm:

1. Cột đèn (còn gọi “đại đăng trụ” hoặc “thiền trụ ngũ sắc đăng”), nằm phía trước và hai bên tam quan (3 cửa), cao 12m bao gồm bệ vuông, thân cột, bệ vuông thót đáy, bộ lồng đèn trên cùng, tất cả đều xây bằng xi măng; Bên trong thân cột trống rỗng, có lối trèo bên trong để những ngày đại lễ trèo lên thắp lồng đèn.

2. Tả môn và hữu môn được nối bởi tường bao, mỗi bên dài 4 mét ở phía trong của hai cột đèn, được xây theo cấu trúc chồng diêm, mỗi cửa dài 2,4m, rộng 1,6m, cao 4,5m. Tầng dưới hình dáng như 4 cột, hai đầu nối với nhau bởi hai bờ tường. Cửa ra vào xây kiểu vòm cuốn cao 2,2m, rộng 1m.

3. Chính môn: Uy nghi giữa tả môn hữu môn, tường bao gấp khúc hình chữ chi nối tả môn với hữu môn. Cấu trúc chính môn 3 tầng hình chồng diêm, cao 8m, rộng 3m, dài 4m. Tầng dưới có 4 cột trụ xây liền tường theo hình vòm cuốn, cao 2,5m, rộng 2,95m, ngày xưa có cửa lim đóng mở. Tầng 2 cao 2m cũng kiểu vòm cuốn, hình dáng giống tầng 1. Phía trong lầu tầng đặt ban thờ rộng 0,8m, dài 0,85m. Lầu trên bộ phận cổ diêm cao 1,2m, dài 1,4m, rộng 0,8m, có mái và bờ nóc. Chính môn trang trí điêu khắc phong phú, giàu giá trị nghệ thuật. Ở hai tường bao nối với tả môn và hữu môn đắp một con voi mập khoẻ, trên lưng voi có bành, đầu ngẩng cao, vòi cong xuống tư thế chầu vào trong. Ở hệ thống tường bao nối với cửa chính, mỗi bên đắp một hình ngựa mang yên cương, cao 1,2m, dài 1,3m, tư thế đứng và hướng vào trong. Ở hai mảng tường hai bên cửa chính đắp hình hai nghĩa quân, tay chống nạnh, đầu đội mũ, mình mặc áo giáp, chân đi hài, gươm tuốt trần tư thế sẵn sàng xung trận. Phía trên hai mảng tường đắp ngựa và sư tử. Đặc biệt sư tử đang tư thế nằm rình mồi, đầu hướng ra phía trước, bốn chân co lại, mặt to, mắt lồi, mũi nở, miệng rộng để lộ hàm răng dữ tợn. Phía trước hai bên chính môn đắp hình hai con rồng tư thế cuộn mình từ trên xuống dưới, đầu ngẩng cao chầu vào giữa. Phía trên cửa vòm cuốn đắp hai con chim phượng ngẩng cao đầu hướng vào bức cuốn thư. Hai bên cửa vòm cuốn của tầng lầu có hai con hạc đứng trên lưng rùa, miệng ngậm cành hoa, đầu hướng vào giữa. Tấm biển hình chữ nhật treo trang trọng trên tầng lầu khắc 4 chữ Hán Nôm THIÊN KHAI CẤM SẮC (trời mở sắc đẹp). Mặt sau cửa chính môn trang trí đơn giản. Tam quan Cương Quốc Công Từ là công trình nghệ thuật trang nghiêm mỹ lệ hiếm có trong các đền đài còn lại, không chỉ ở Nghệ An mà còn với nhiều địa phương trên đất Việt Nam.

Anh-tin-bai

D. Khu chính điện phía trong tam quan qua sân rộng lát gạch, khu chính điện gồm:

l. Nhà bái đường với 3 gian chính và 2 gian phụ, 5 hàng cột dọc và 6 hàng cột ngang. Gian giữa rộng 3m, hai gian liền kề mỗi gian rộng 2,6m, hai gian phụ mỗi gian rộng 2m; hiên nhà rộng 1,6m. Bái đường làm bằng các loại gỗ lim, mít, dạ hương. Mái lợp ngói âm dương, tường xây hai đầu hồi, cửa phía trước làm bằng gỗ lim, gỗ mít. Trong bái đường nhiều hoành phi, câu đối, cuốn thư, gian chính giữa có hai con hạc cao lớn đứng chầu hai bên. Phía sau bái đường thông với trung điện.

2. Sân trung điện dài 7m, rộng 6m, lát gạch bát tràng, giữa sân có bể cạn và lầu đốt vàng mã. Bể cạn dài 1,4m, rộng 0,5m, cao 0,6m, mặt ngoài thành bể đắp nổi 4 loại cây tùng, cúc trúc, mai. Hai bên bể cạn đặt bồn hoa. Nằm phía bên trong bể cạn là lầu hóa vàng mã cao 2m, có 4 chân quì đắp 4 đầu rồng đỡ hình mây với ý nghĩa rồng cuộn trong mây. Mặt ngoài lầu hóa vàng cũng trang trí tứ quí tùng, cúc, trúc, mai.

3. Gác chuông-khánh xây dựng hai bên tả hữu vu, hai gác nằm ngay sau cửa hai gian nhà hồi của bái đường cấu trúc theo kiểu chồng diêm 3 tầng, tầng dưới cao 2,2m, tầng giữa cao 1,6m, tầng trên cao 1,2m. Ở phần chính giữa cửa vòm cuốn gác chuông đắp 3 chữ Hán “Vạn tư niên”, giữa cửa vòm cuốn của gác khánh đắp 3 chữ Hán “kinh hữu thổ”. Gác chuông gác khánh ở hai bên tả vu, hữu vu tôn thêm vẻ đẹp trang nghiêm, cân đối của khu chính điện.

4. Nhà trung điện tọa vị trí trung tâm của khu chính điện, xây theo kiểu chồng điểm 3 tầng uy nghi, độc đáo, kích thước 5,5m x 5,5m, nền nhà cao hơn sân 0,25m. Kết cấu nhà trung điện giống Khuê văn các của Văn miếu Hà Nội. Nhà trung điện kiến trúc trang trí rất công phu, giàu sáng tạo. Tầng dưới bốn phía tường xây đều “liên hoa” và đều có lối ra vào. Tường cao 1,2m, phía trước mặt bằng tầng dưới có án thư, tiếp đến là ban thờ, trong cùng là kiệu rồng, phía trước án thư có “bát bảo”. Tầng dưới trung điện bốn phía đều có y môn với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ độc đáo. Y môn phía trước dài 3m, hai bên gắn vào thân cột có chiều cao 1,2m, tất cả chạm thủng và sơn son thiếp vàng, hình chạm cuốn thư hai bên có hình chim phượng trong tư thế dang cánh bay cao giữa mây trời. Hai đai của hai bên y môn có hình rồng cuộn từ dưới lên. Y môn tả hữu đều trang trí hấp dẫn, có mặt ngũ phúc, có  mặt con dơi ngậm chữ “hỷ”, có hoa có lá; có hai con sóc thế ngồi thoải mái quay đầu vào giữa.

Y môn chính diện có nhiều hoạ tiết, hình mặt trời ở chính giữa, có hình rồng cuộn ba khúc, thấp thoáng ở hai bên phía sau mặt trời là những đám mây được cách điệu. Ở tầng hai y môn trang trí chạm lộng như tầng dưới nhưng khác về kích thước và đề tài thể hiện, họa tiết trang trí gồm hai chim hạc đang chầu vào giữa, những hoa, lá nối tiếp nhau trong khẩu độ dài 1,6m. Phía trong tầng hai có đặt ban thờ, có một án thư và một bát hương bằng sứ. Có thể khẳng định, trong hệ thống kiến trúc nổi tiếng bề thế phong phú của Di tích Cương Quốc Công Từ, hai hạng mục Tam quan và nhà Trung điện có giá trị mỹ thuật nổi bật đặc sắc nhất.

5. Hai dãy nhà tả vu-hữu vu thờ 16 người con trai của Cương Quốc Công, bố trí cân xứng hai bên và sát mái với nhà trung điện. Kết cấu đơn giản, mỗi nhà rộng 3m dài 9m gồm 3 gian 2 hồi, 4 hàng cột ngang 2 hàng cột dọc, phía sau tường xây, phía trước thông với sân nhà trung điện. Cả 3 gian của tả vu hữu vu đều có khám thờ đặt trên ban thờ xây bằng xi măng, mỗi ban thờ rộng 2,2m, dài 2,5m.

6. Nhà thượng điện 3 gian nằm trong cùng hệ thống đền thờ. Mái thượng điện và trung điện áp kề nhau có máng chung thoát nước mưa. Thềm nhà thượng điện cao 0,8m, dài 7m, rộng 6m. Gian giữa rộng 2,6m, hai bên mỗi gian rộng 2,2m, chính diện mỗi gian có một bức y môn

chạm thủng hình “lưỡng long triều nguyệt”, mặt hổ phù, miệng ngậm chữ “hỷ”, 2 con chim phượng hai bên, đầu hướng vào giữa tư thế đang bay.

Trong bài văn của ông Nguyễn Huy Côn-vị Chánh quản tộc lâu nhất (từ năm 1900-1954) của dòng họ Nguyễn Đình, thân sinh của GS NGND Nguyễn Đình Chú), và trong sách An Tĩnh xưa (Levieux) của H.Le Brenton người Pháp đều ghi: “Ở nhà thượng điện, gian giữa thờ cụ Nguyễn Hội (thân phụ của Cương Quốc Công) và vợ, gian bên trái thờ cụ Nguyễn Biện (anh trai Cương Quốc Công) và vợ, gian bên thờ Cương Quốc Công và vợ. Việc bố trí bàn thờ như trên là có từ bao đời nay không thay đổi. Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật gồm: bia đá, kiệu rồng, hai con hạc (đứng trên lưng rùa); Hai bức cuốn thư sơn son thiếp vàng (1 ở trung điện, 1 ở bái đường); Tượng hổ sư bằng gỗ mít (đặt ở hai bên trước thượng điện), chuông đồng; Nhiều tế khí (đồ thờ) hoặc bằng gỗ sơn son thiếp vàng, (như long ngai, thần chú, khám thờ, mâm cỗ bồng, cọc sáp, ống hương, mâm tiến tự hương án, trống...), hoặc bằng sứ, đất nung (như độc bình, bát hương, chén tống, bát sứ, be đựng rượu...); Hoặc bằng ngà (chén), hoặc bằng kim loại lư hương, hạp hương, tam sự, thất sự, chiêng...; hoặc bằng vải thêu (cờ ngũ hành, bức trướng đại có 4 chữ “Trung nghĩa can đảm”), hoặc bằng giấy (hai cuốn gia phả bằng chữ Hán Nôm); Câu đối, hoành phi, văn bia (riêng câu đối được khắc gỗ là rất nhiều, gần như tương đương với số cột chính của các nhà). Bức hoành phi ở chính giữa trung điện gồm 3 chữ của vua Lê Thánh Tông ban “NHẠC GIÁNG THẦN” (khí thiêng của núi đã giáng vào vị thần này).

Anh-tin-bai

Mộ cụ Nguyễn Hội thân sinh và mộ tướng Nguyễn Xí an táng cách đền thờ chừng 500 mét về phía Đông, hai phần mộ vẫn giữ nguyên trạng đắp đất, không xây từ xưa. Mộ tướng Nguyễn Xí được vua Lê Thánh Tông ngự tứ mộ chí “Nam Việt Quốc, đặc ân khai quốc phủ Nghi đồng, Tam ty nhập nội, kiểm hiệu Thái sư Cương Quốc Công, tứ quốc tính Lê Công chí mộ”. Tâm thành tiến hành bài viết này, chúng tôi được ông Nguyễn Thanh Tiên (nguyên Tổng biên tập Báo Nghệ an),từ năm 2010 đến nay là Chánh quản tộc Hội đồng trị sự dòng họ Nguyễn Đình-Thượng Xá, cho biết: Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị xứng với tầm của một di tích quốc gia đặc biệt,  Hội đồng quản tộc quyết định tậu thêm 15.000  m2 đất, mở rộng khuôn viên về phía tây Di tích Đền thờ. Hội đồng quản tộc đã ra lời kêu gọi đông đảo con cháu họ Nguyễn Đình sống làm ăn trong và ngoài lãnh thổ nước Việt, tự nguyện đóng góp tài chính bằng tâm nguyện tâm thành, góp phần bảo tồn phát huy giá trị một di tích lịch sử văn hoá quốc gia đặc biệt, có tuổi đời cổ kính nguy nga trên vùng đất vùng người xứ Nghệ./.

 Nguồn: Tg: Giao Hưởng

BẢN ĐỒ HUYỆN NGHI LỘC
image

Tin tức
  • LINH THIÊNG NGÀY CÁC ANH TRỞ VỀ ĐẤT MẸ
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGHI LỘC
Chịu trách nhiệm nội dung: UBND huyện Nghi Lộc
Trụ sở: K6 thị trấn Quán Hành, Huyện Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0919.523.909 - 0915.050.987 - Email: truyenhinhnghiloc@gmail.com