Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Hoàng Đan.
Từ viên chỉ huy có “máu liều”…
Gia phả dòng họ Hoàng ở xã Nghi Thuận,
huyện Nghi Lộc ghi rõ: “Hoàng Đan là hậu duệ đời thứ 22 của Sát hải đại vương
Hoàng Tá Thốn - danh tướng đời nhà Trần”. Có lẽ, dòng máu con nhà võ đã chảy
trong huyết quản của ông từ thuở niên thiếu, bởi vậy mà khi chỉ mới 17 tuổi,
Hoàng Đan đã tham gia mặt trận Việt Minh; dẫn đầu một đoàn người cướp chính quyền
tay sai huyện Nghi Lộc thời bấy giờ.
Sự
gan dạ của người thanh niên yêu nước đã dẫn ông đến các mặt trận ác liệt nhất
trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sau này là đánh đuổi Mỹ, tiêu diệt giặc
Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam và chống xâm lược Trung Quốc ở mặt trận phía Bắc.
Có nghĩa là trong cuộc đời binh nghiệp của ông, đâu có giặc là ông đi; và trong
hơn nửa thể kỷ mặc áo lính thì có đến hơn 40 năm, Hoàng Đan trực tiếp cầm quân ở
chiến trường. Ở đâu, hình ảnh người chỉ huy gan dạ, khí phách ấy cũng đã tiếp lửa
cho anh em binh sĩ vững vàng trên mọi mặt trận.
Chuyện
về sự mưu lược, dũng cảm của ông được khá nhiều tài liệu và nhân chứng lịch sử
kể lại, từ giữa đến gần cuối thế kỷ 20. Những ngày đầu, khi quân đội Việt Minh
còn non trẻ, vào năm 1949, để đánh đồn Lưu Diễm, Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, Bình Định
ngày nay), Hoàng Đan chủ trương cho binh sỹ bện tường rơm, làm khiên di động chắn
hỏa lực địch, tiến công áp sát để diệt các hỏa điểm, xung phong đánh chiếm đồn
thắng lợi. Hay như sau này, lối đánh phòng ngự phản công, đầy biến hóa của tướng
Hoàng Đan đã gieo một mối khiếp đảm cho quân địch trên khắp các chiến trường từ
Nam ra Bắc. Lối đánh địch của Hoàng Đan không giống ai, ông là một tướng lĩnh
đã thoát khỏi “rọ giáo điều”, luôn tìm cách tổ chức, huấn luyện, nghiên cứu và
tác chiến phù hợp với điều kiện cụ thể. Hoàng Đan từng nói “Nguyên tắc do con
người đặt ra, con người có thể thay đổi chúng”. Thoát ra khỏi sự rập khuôn
trong các chiến thuật quân sự, những trận đánh do Hoàng Đan chỉ huy đã mở ra một
trình độ tác chiến mới của quân đội ta.
Có thể kể đến là trận đánh vận động
tiến công tiểu đoàn Âu - Phi năm 1949 ở Ninh Bình, diệt - bắt sống 200 tên,
trong đó có thiếu tá chỉ huy quân đội Pháp Đờ-Poanh-Tê; cũng tại chiến trường
Ninh Binh, vào năm 1952, Hoàng Đan với vai trò là Tiểu đoàn trưởng, đã chỉ huy
5 trận đánh thắng liên tục, diệt gọn 5 đại đội địch, ta toàn thắng mà không
thương vong.
Cờ chiến thắng của quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, Điện Biên Phủ 7/5/1954
Hai năm sau, trong chiến dịch Điện Biên
Phủ, trung đoàn 57 của Hoàng Đan, trong điều kiện đạn, pháo ít, đã áp chế địch
hiệu quả, bằng cách cho trinh sát luồn sâu vào hàng rào trong cùng trận địa
pháo địch ở Hồng Cúm, hễ khi có lệnh quân địch chuẩn bị bắn, trinh sát báo về,
pháo - cối ta mới nổ súng để áp chế hỏa lực địch. Chiêu thức đánh trận này đã
khiến địch hoang mang, không đánh giá được đúng thực lực hỏa địch ta; đồng thời,
tiết kiệm được tổn hao về khí tài cho quân đội Việt Nam trên chiến trường. Trung
đoàn 57 của Hoàng Đan góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn
động địa cầu.
Sang thời kỳ đánh Mỹ, những trận chiến
do Hoàng Đan chỉ huy như Làng Vây, Tà Cơn, Khe Sanh (Quảng Trị), đặc biệt là cuộc
đụng độ ở Chi khu quân sự Thượng Đức (nay thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam)
đã làm cho thế và lực của quân đội Việt Nam cộng hòa suy yếu hẳn. Trận Thượng Đức,
để tăng hiệu lực pháo - đạn và tạo bất ngờ cho địch, Sư đoàn trưởng 304 Hoàng
Đan đã cho bộ đội ta tháo rời pháo lớn, lặng lẽ, bí mật đưa lên điểm cao 1062,
bắn thẳng, trực tiếp tiêu diệt các hỏa điểm, đồn địch, tạo điều kiện cho quân
ta nhanh chóng áp sát, đánh chiếm chi khu. Địch hoàn toàn bị bất ngờ, ngỡ đạn
pháo của quân đội miền Bắc “như ma” từ trên trời đánh xuống nên thua trận lớn.
Do vị trí quan trọng của Thượng Đức, địch quyết tử đánh chiếm lại chi khu liên
hợp này. Bộ đội ta vốn ít được huấn luyện về phòng ngự nên chống trả khá lúng
túng. Trước tình thế này, Sư đoàn trưởng Hoàng Đan đã tiến hành huấn luyện bộ đội
ngay trước mũi súng quân thù. Ông chia sư đoàn thành 2 bộ phận luân phiên: một
nửa trực chiến, một nửa huấn luyện. Để thuyết phục cho bộ đội phòng ngự Thượng
Đức, ông cho làm hầm chữ A để tránh pháo kích của địch. Anh em sỹ quan binh
lính ngần ngại chưa tin ở chiến thuật chống đỡ này. Đích thân Sư đoàn trưởng
304 đã chui vào trong hầm, cho pháo cối bắn trực tiếp trên miệng hầm. Khi tiếng
súng vừa dứt, trong khói đạn mịt mù, Hoàng Đan thản nhiên bước ra trong tiếng vỗ
tay tán thưởng của mọi người. Thượng Đức được giữ vững, không mất một điểm tựa
nào. Cuối năm 1974, địch buộc phải rút chạy, ta thừa thắng tiến công, giải
phóng vùng B Đại Lộc, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch giải phóng Đà Nẵng;
và sau này là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 11 giờ ngày
30 tháng 4 năm 1975, với cương vị là Phó Tư lệnh quân đoàn, Hoàng Đan là người
đầu tiên có mặt ở Dinh Độc Lập.
Ông Hoàng Đan - Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, giao nhiệm vụ cho binh đoàn thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc lập (4/1975
2 miền Bắc - Nam thống nhất, nhưng tướng
Hoàng Đan tiếp tục gánh vác những trách nhiệm nặng nề, trong chiến dịch đánh đuổi
quân xâm lược Trung Quốc ở phương Bắc, giữ yên bờ cõi từ năm 1979 đến hết 1986.
Với vai trò là tư lệnh chiến trường, vị tướng tuổi gần 60 vẫn xông pha nơi chiến
trận, trực tiếp chỉ huy và truyền lửa cho bộ đội Việt Nam vững dạ chống trả kẻ
thù. Kinh qua trận mạc, với “máu liều” của một người lính quê Nghệ, Hoàng Đan
có đến 5 lần đối diện với cửa tử, ở khắp các chiến trường từ Bắc chí Nam. Tuy
nhiên, ông vẫn gan dạ và đầy mưu trí, xem cái chết ở chiến trường là một sự
đánh đổi, cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc. Tướng Hoàng Đan trở thành nỗi
khiếp đảm của quân địch trong mỗi lần trực tiếp tham gia chỉ huy ở các chiến trận.
Ông Hoàng Đan - Phó Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Lê Trọng Tấn, 1976
…Đến một tính cách Nghệ khảng khái, bộc trực…
Nhiều lớp sĩ quan quân đội đã xem
Hoàng Đan là một hình mẫu chỉ huy trí dũng song toàn. Thế nên, chuyện về ông được
lưu truyền không ít trong và ngoài chính sử, nhưng tất cả đều toát lên khí chất
của một con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Gần gũi, cởi mở, bộc
trực, thậm chí có khi khá xuề xòa, ngang tàng, đó là lối sống, là phong cách của
tướng Đan. Có chuyện kể rằng: Vào năm 1950, khi chỉ mới 22 tuổi, Hoàng Đan đã
là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 418, trung đoàn 57, sư đoàn 304. Anh trai ông là
Hoàng Khuê, đại đội trưởng thuộc quyền. Trong một trận đánh phục kích, ông phân
công đại đội ông Khuê làm nhiệm vụ khóa đuôi đội hình quân địch. Trận đánh
giành thắng lợi không trọn vẹn, vì đơn vị khóa đuôi xuất kích chậm, để một bộ
phận quân địch chạy thoát. Khi ra quyết
chiến điểm, trước hàng quân, giữa bãi chiến trường mịt mù khói đạn, ông Đan đứng
dẫm chân tức tối quát ông Khuê.
Ông quát thật to, lại gay gắt chình chịch tiếng Nghi Lộc, làm mọi
người phì cười. Ông Khuê lặng ngắt, đứng như trời trồng, không dám thanh minh một
lời.
Ông Hoàng Đan - Sư đoàn trưởng sư đoàn 304 và đồng đội tại sân bay Tà Cơn, Quảng Trị, 1973
Năm 1970, khi ông làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, chiến đấu ở
Trị Thiên. Có lần, ông dẫn đoàn cán bộ đi địa hình để bố trí lực lượng, thế
trận. Khi qua một cánh rừng, ông bảo “mọi
người dừng lại để tớ đi vệ sinh”. Tiếp đến, vượt qua dãy núi, ông lại bảo
dừng, đi vệ sinh lần nữa; rồi tiếp tục đi. Khi đến một con suối, ông bảo, “tớ tắm cái đã”. Mấy ngày sau, về vị trí
tập kết họp giao nhiệm vụ cho các đơn vị, ông tuyên bố: “Tôi yêu cầu bố trí Trung đoàn 24 xung quanh chỗ tôi đi đ**. Trung
đoàn 66 chỗ tôi đi **. Còn Trung đoàn 9 là chỗ tôi tắm”. Mọi người phì cười
nhưng nhận nhiệm vụ và hiểu ngay; đưa bộ đội vào bố trí lực lượng chính xác
theo ý đồ chiến thuật của Sư đoàn trưởng. Theo ông, ngày đó trình độ đọc bản đồ
và xác định trên thực địa của cán bộ chưa thạo. Nếu giao nhiệm vụ trên tọa độ
bản đồ có khi sai lệch.
Năm 1984, cán bộ trung, cao cấp các cơ quan Bộ Quốc
phòng nghiên cứu quán triệt NQ 04 / TW 5 về xác định kẻ thù mới. Trên bục, Báo
cáo viên đang say sưa trình bày âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù là bành trướng, nước
lớn, bá quyền,... Đang ngồi giữa Hội trường, ông Hoàng Đan đứng phắt dậy nói: “Những điều đồng chí giảng giải là đúng, nhưng
chưa đủ. Tôi đề nghị bổ sung thêm: Chúng nó là chủ nghĩa xỏ lá”. Cả Hội trường nghe xong, cười vang tán thưởng.
Cởi mở, bộc trực, ông không ngại những
va chạm thường ngày đến từ công việc. Hoàng Đan luôn là người phê bình thẳng thắn,
phát ngôn không né tránh, nhưng luôn được tập thể tin yêu, tín nhiệm. Bởi con
người ông, không chỉ nói lớn, còn làm lớn, làm được những việc mà không phải ai
cũng có thể. Tướng Nghệ Hoàng Đan là người như vậy.
… Và vị tướng nhân nghĩa
Trong cuộc chiến tranh Biên giới
phía Bắc, Thiếu tướng Hoàng Đan là Tư lệnh của Mặt trận Lạng Sơn và Mặt trận Vị
Xuyên. Đây là hai chiến trường được đánh giá là khốc liệt nhất, điểm nóng của
chiến tranh Biên giới lúc bấy giờ.
Thiếu tướng Hoàng Đan - Tư lệnh Quân đoàn 5, cùng đồng đội và chuyên gia quân sự Liên Xô tại mặt trận Lạng Sơn, 1979.
Theo lời chia sẻ của con trai Thiếu
tướng, ông Hoàng Nam Tiến, thời điểm đó, Đài Phát thanh thường phát đi, phát lại câu: “Vậy là một lần nữa, lịch sử lại chọn đất nước ta để thử thách”. Anh đã chứng kiến bố của mình nghe
đài rồi đấm mạnh tay xuống bàn và thốt lên: “Lịch
sử là gì mà làm lính tôi khổ thế”. Với một vị tướng trọn cuộc đời xông
pha nơi chiến trận, hi sinh của họ có thể chỉ xem nhẹ như tơ hồng, nhưng với
những người đồng đội, đồng chí của mình, đó là một nỗi đau. Bởi tướng Hoàng Đan
chắc hẳn đã nhiều lần phải chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống, để giành lấy sự bình yên cho Tổ
quốc. Cũng chính
từ niềm đau này, từ sự hiểu thấu những mất mát, hi sinh của bộ đội ta, khi nhận
nhiệm vụ làm Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, ông đã nhanh chóng thay đổi toàn bộ cách đánh trước đó. Tướng Hoàng
Đan xác định rõ:
lấy tinh binh làm chính, lấy hiểu biết địa hình phía Bắc của quân và dân ta làm
điểm tựa, xây dựng hệ thống địa đạo công sự xuyên suốt chiến trường. Nhờ đó, tỷ
lệ thương vong giảm xuống, góp phần vào việc đánh bật các đơn vị Trung Quốc
khỏi các cao điểm chiếm được, khiến địch phải dần lùi sâu về sát biên giới gốc.
Thiếu tường Hoàng Đan cùng vợ (Bà Nguyễn Thị An Vinh) và các con Hoàng An, Hoàng Xuân Hồng và Hoàng Nam Tiến.
Sau chiến dịch Biên giới phía Bắc,
đặc biệt là những người lính tại mặt trận Vị Xuyên, có lẽ, họ sẽ không thể nào
quên được lời Thiếu tướng từng nói: “Không
có một tổn thất nào là nhỏ khi nói về người lính đã ngã xuống. Mỗi người lính
hy sinh họ là con, là chồng, là cha trong một gia đình. Đó là sự mất mát không
thể bù đắp”. Sự sẻ chia đó còn được kể lại trong câu chuyện của anh
Hoàng Nam Tiến, con trai ông: “Ông yêu tôi nhưng cả đời mình, tôi chưa từng được ông ôm.
Ngày ông nội tôi mất, ba tôi không khóc. Vậy mà có một lần, khi đứng ở Nghĩa
trang Trường Sơn, trước mộ của một người lính của ông đã hy sinh ở Quảng Trị,
tôi thấy ba mình đã khóc - lần đầu tiên và duy nhất trong đời”…
Nhà lưu niệm anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Hoàng Đan.
Nhiệm
vụ hoàn thành, ông trở về với công việc nghiên cứu và giảng dạy, tranh thủ ghi
lại những năm tháng ác liệt, hào hùng và tổng kết kinh nghiệm chiến đấu để trao
truyền cho thế hệ sau. Tiếc rằng, khi những trang viết này còn dang dở, ông đã
qua đời đột ngột vào mùa Đông năm 2003. Sự ra đi của ông là một mất mát
lớn cho quân đội, nhân dân, Đảng và Nhà nước. Với những công lao to lớn, xuất sắc
trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, năm 2015, Thiếu
tướng Hoàng Đan đã được truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân
dân - xứng danh là một “hổ tướng” trong hàng ngũ quân đội nhân dân
Việt Nam.
Sự nghiệp cách mạng của Thiếu tướng Hoàng Đan.
Nhận định về con người của ông, Tổng bí thư Lê Khả
Phiêu, Bí thư quân ủy Trung ương đã viết: “Nói
đến đồng chí Hoàng Đan, tướng Hoàng Đan, toàn quân ai cũng biết rõ và ngưỡng mộ
ông. Một con người hầu như cả cuộc đời, cả sự nghiệp của ông đều gắn bó trong
lĩnh vực quân sự… Đồng chí là một người chỉ huy có bản lĩnh, mưu trí, sáng tạo,
những nơi gặp khó khăn, những tình huống phức tạp, đồng chí thường được trên
giao xuống trực tiếp…”
Hoàng Đan, “hổ tướng” người Nghệ là một con người như thế!