image banner
Nghi Thiết anh hùng - 70 năm xây dựng và phát triển
Tiền thân xã Nghi Thiết có 3 làng: Kẻ Lao, Đông Vang, Đông Ngàn, về sau Kẻ Lao đổi thành Hoàng Lao, Đông Vang nhập vào Đông Ngàn. Đầu thế kỉ XIX, Hoàng Lao và Đông Ngàn là 2 trong 4 xã của tổng La Hoàng thuộc huyện Hưng Nguyên. Đến giữa thế kỉ XIX, Hoàng Lao đổi thành Trung Kiên cùng với Đông Ngàn là 2 trong 5 xã thuộc tổng La Vân của huyện Hưng Nguyên. Đến cuối thế kỉ XIX, tổng La Vân được cắt về huyện Nghi Lộc.

 

Anh-tin-bai

Tháng 5 năm 1946, 3 làng Trung Kiên, Đông Ngàn, Hải Thanh (Nghi Tiến) được sát nhập thành xã Đông Hải. Trong phát động giảm tô, ngày 25 tháng 5 năm 1954 xã Đông Hải được chia tách thành 2 xã là Nghi Tiến và Nghi Thiết. Đồng chí Hoàng Văn Dơn được cử làm Bí thư chi bộ và đồng chí Nguyễn Đức Duệ được cử làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính đầu tiên của xã Nghi Thiết. Lúc bấy giờ xã Nghi Thiết có diện tích tự nhiên khoảng gần 600ha, dân số là hơn 2.500 người, hình thành 3 làng là Hải Trung (gồm xóm Chùa, xóm Đình, xóm Rồng), làng Hải Ngạn còn gọi là Đông Ngàn hay Quyết Tâm và làng Hải Thịnh.

Thần tích các làng ở Nghi Thiết thể hiện khí chất của dân cư nơi đây với các Đền, Đình, Chùa, các Miếu thờ và một hệ thống nhà thờ của hơn 40 dòng họ được ông cha xây dựng lâu đời, là nét nổi bật mang đậm chất văn hoá tâm linh hiếm nơi nào có được. Đặc biệt cụm đình - đền chùa làng Trung Kiên đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992, Đền Tráng Liệt được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2013. Đó là những di sản văn hoá vật thể quý giá do nhân dân sáng tạo ra.

Hàng năm, người dân nơi đây tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như lễ xuống đồng, lễ cầu yên, cầu ngư vào dịp rằm tháng Giêng; lễ Kỳ Phúc, lễ hội đua thuyền truyền thống vào dịp rằm tháng 7. Đây là những nét văn hóa độc đáo, những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của nhân dân.

Vào những năm cuối thế kỉ 19, dưới cờ khởi nghĩa của các văn thân, sĩ phu yêu nước, nhân dân các làng Trung Kiên, Đông Ngàn, Đông Vang có nhiều người tham gia khởi nghĩa chống pháp, tiêu biểu như: Ông Nguyễn Tiến, ông Võ Thế Phiệt, ông Võ Văn Đống, ông Võ Văn Kiện, ông Nguyễn Sỹ Lột, ông Lê Đăng Mã. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nghi Thiết đã hăng hái tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931 và phong trào dân chủ 1936 – 1939, có nhiều  người con ưu tú đã anh dũng hy sinh tiêu biểu như đồng chí Hoàng Xuân Ất.

Từ năm 1965 đến năm 1975 đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, Nghi Thiết là một trong những xã ở huyện Nghi Lộc trở thành mục tiêu đánh phá dữ dội của không quân Mỹ. Hơn 230 lần máy bay Mỹ đánh vào cửa sông Cấm, 180 lượt đánh vào cao điểm đài quan sát, 120 lượt đánh vào các trận địa pháo, 190 lượt đánh vào xí nghiệp đóng tàu thuyền, 250 lượt đánh vào công sở, vùng dân cư và 1 lần biệt kích tấn công vào làng Hải Thịnh.   

 Nghi Thiết đã phải hứng chịu 14.500 quả bom, đạn các loại và 2100 quả thuỷ lôi đánh phá khiến 127 người chết, có 8 liệt sỹ dân quân tự vệ, 200 người bị thương, 500 ngôi nhà dân, trường học, công sở bị phá hủy, 50 tàu thuyền hư hỏng, nhà kho, trạm xá, hàng trăm nóc nhà và nhiều tài sản của nhân dân bị thiêu trụi. Trên khắp các tuyến lửa, nhân dân xã Nghi Thiết  đã đóng 12 ngôi nhà  để làm công sự và hàng ngàn cây tre, hàng trăm mét khối gỗ, hàng vạn ngày công đào đắp hàng trăm mét khối đất đá xây dựng các công sự trận địa chiến đấu, đào 1.370 hầm cá nhân, san lấp hàng trăm hố bom, tháo dỡ hàng chục quả bom nổ chậm, bom từ trường các loại, rà phá 1.600 quả mìn, thuỷ lôi các loại đảm bảo an toàn các tuyến giao thông thủy, bộ, đóng hàng trăm tàu thuyền, phao phà với tổng trọng tải 20.000 tấn phục vụ cho giao thông vận tải trên các trọng điểm chiến lược, tham gia bốc dỡ hàng trăm tấn gạo, hàng hóa khác. Vẫn còn in đậm trong ký ức người dân Nghi Thiết về lực lượng trực chiến phòng không dũng cảm kiên cường, nhất là đội 10 cô gái làng Đông ở xóm Hải Thịnh do bà Nguyễn Thị Hới làm tổ trưởng. Lực lượng trực chiến phòng không của xã đã bắn rơi 1 máy bay A4, đơn vị trực chiến pháo mặt biển 75 ly bắn cháy 1 tàu chiến Mỹ khi xâm phạm vùng biển Nghi Thiết, Cửa Lò.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghi Thiết đã có 773 lượt thanh niên lên đường nhập ngũ, 187 thanh niên xung phong, 369 người tham gia dân công hỏa tuyến. Quân và dân xã Nghi Thiết vừa trực tiếp chiến đấu bảo vệ xóm làng, vừa sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Chi viên hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, thịt, cá, mắm, muối các loại và đặc biệt, làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên đã đóng những con thuyền vỏ gỗ - những con tàu không số để hoà vào tuyến giao thông huyết mạch, con đường huyền thoại: đường Hồ Chí Minh trên biển... Để giờ đây mỗi tên đất, tên làng ở Nghi Thiết điều gắn với những chiến tích chói lọi chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ  góp phần làm nên đại thắng mùa xuân giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà,  xã Nghi Thiết có 89 người con đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường, 128 thương binh, bệnh binh, 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 5 dân quân tự vệ được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đồng chí Nguyễn Thân Mến – Chủ nhiệm Hợp tác xã đóng tàu thuyền Trung Kiên – là Đại biểu Quốc hội Khoá III, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Khoá 3 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động” năm 1967; Đồng chí Phan Văn Điền (tức Hà Minh Trí), là điệp báo hoạt động trong lòng địch, được phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang”. Hàng trăm huân, huy chương, bằng khen các loại được khen tặng cho cá nhân và gia đình có thành tích trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 2005, Nghi Thiết đã được Chủ tịch nước CHXHCNVN phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Chiến công hạng Hai và hạng Ba, Cờ luân lưu đơn vị khá nhất của Bộ Tư lệnh QK4, UBND tỉnh tặng 1 cờ thi đua đơn vị dẫn đầu ngành thủ công nghiệp. Chính phủ tặng danh hiệu đơn vị Dũng sĩ diệt Mỹ, Chính phủ tặng 1 bằng khen, Bộ Giao thông vận tải tặng 2 Bằng khen về đảm bảo công tác giao thông vận tải. Quân khu 4 công nhận 10 năm liền đơn vị quyết thắng.

Trong thời kỳ đổi mới, tự hào về truyền thống quê hương, Nghi Thiết đã từng bước khai thác tiềm năng thế mạnh,  huy động mọi nguồn lực, vượt lên mọi khó khăn thách thức, chuyển mình vươn dậy, đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xã tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, phát huy nghề đóng tàu thuyền, mộc truyền thống, xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản gần bờ như nuôi tôm, nuôi ngao, cá. Toàn xã hiện có gần 500 hộ dân sản xuất kinh doanh giỏi, đưa lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu như: đóng tàu thuyền; mộc; nuôi tôm; nuôi cá lồng; nuôi nghêu; đánh bắt thủy sản; mô hình dịch vụ xây dựng ....nhờ đó góp phần tăng hộ khá giàu lên 82%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,3%, bình quân thu nhập đầu người đạt trên 51 triệu đồng/ người/ năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12%/năm.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng khang trang, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng cao. Có nhiều người là tiến sĩ, thạc sỹ, cán bộ trung cao cấp của Đảng, nhà nước và doanh nhân thành đạt ở mọi miền đất nước...

Anh-tin-bai

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được đẩy mạnh, đã có 5/5 xóm đạt danh hiệu làng văn hóa, hơn 90% gia đình đạt gia đình văn hóa. Công tác y tế, dân số, gia đình, trẻ em được cả xã hội quan tâm. Các chính sách, xã hội được chăm lo, toàn xã đã xây dựng được 10 ngôi nhà tình nghĩa và tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.

Bằng chính sức mình, phát huy tốt các tiềm năng, nội lực, cơ sở vật chất 3 trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đến nay, 100% trục đường giao thông chính và 80% đường ngõ xóm có hệ thống điện chiếu sáng được đổ bê tông sạch, đẹp. Trong những năm qua, bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và bằng sự đóng góp của các công ty, doanh nghiệp và nhân dân, xã Nghi Thiết đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng và dần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ nét, Nghi Thiết đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Hiện nay, đã hoàn thành 15/ 19 tiêu chí và phấn đấu năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Anh-tin-bai

Bên cạnh đó, trong những năm qua, xã Nghi Thiết đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phòng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển kinh tế trọng điểm như đường D4, Trạm nghiền xi măng Sông Lam, Cảng biển Vissai, Tổng kho xăng dầu DKC, và đang triển khai dự án Cảng nước sâu Cửa Lò.

Anh-tin-bai

Trải qua 31 kỳ đại hội và 70 năm phát triển, Đảng bộ xã Nghi Thiết đã luôn khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo các phong trào của quần chúng để đưa Nghi Thiết luôn tiến lên phía trước, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, tô thắm thêm truyền thống yêu nước sáng ngời. 70 năm xây dựng và trưởng thành, từ những xóm làng nhỏ, dân cư thưa thớt, Nghi Thiết ngày nay đã mở mang phát triển với diện tích tự nhiên 623 ha, dân số gần 8000 người. Đảng bộ đã phát triển lớn mạnh với 205 đảng viên sinh hoạt ở 11 chi bộ. Đảng bộ xã Nghi Thiết luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Nghi Thiết đã đạt được trong 70 năm qua đã minh chứng cho sức vươn mạnh mẽ, là kết quả của ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết thống nhất cao trong Đảng bộ và nhân dân xã nhà.

                                                                                           Thái Hoàng 

BẢN ĐỒ HUYỆN NGHI LỘC
image

Tin tức
  • LINH THIÊNG NGÀY CÁC ANH TRỞ VỀ ĐẤT MẸ
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGHI LỘC
Chịu trách nhiệm nội dung: UBND huyện Nghi Lộc
Trụ sở: K6 thị trấn Quán Hành, Huyện Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0919.523.909 - 0915.050.987 - Email: truyenhinhnghiloc@gmail.com