07/06/2023
Hội viên phụ nữ xã nghi Kiều sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ NHXSXH từ mô hình nuôi ốc bươu đen.
Hơn 10 năm sinh hoạt trong Hội Phụ nữ, chị Lê Thùy Dung hội viên Chi hội Phụ nữ xóm 13 xã Nghi Kiều, luôn năng động, nhiệt tình với phong trào và hoạt động của Hội, đã không ngại khó khăn, tận tụy với công việc. Sau khi được tạo điều kiện vay vốn NHCSXH từ nguồn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, Chị đã mạnh dạn lựa chọn mô hình nuôi Ốc bươu đen, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhận thấy mô hình nuôi Ốc bươu đen cho thu nhập cao ở những địa phương khác, cách đây trên 2 năm, gia đình Chị Lê Thị Dung (SN 1986) ở xóm 13 xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) đã đầu tư kinh phí xây bể để nuôi ốc. Nhờ lợi thế về đất đai, có vườn nhà rộng, trong cùng một lúc gia đình Chị đã đầu tư làm 6 ô để nuôi. Chị đổ bê tông 6 ô (2 ô lớn nuôi ốc lấy thịt, 4 ô nhỏ nuôi ốc giống). Mỗi ô có chiều dài 30m, rộng 20m; ô nhỏ, mỗi ô dài 8m, rộng 5m, cách làm: múc đất vườn, đổ bê tông chia thành các bể chứa nước, bên dưới lót bạt sau đó cho nước vào; trong bể thả rong rêu hoặc bèo; phía trên bể nuôi ốc giống được lợp thêm 1 lớp lưới màu đen nữa để che nắng, mưa cho ốc; các nhà lưới được lắp bóng đèn để chiếu sáng vào ban đêm.

Ban đầu gia đình đầu tư mua 7 yến trứng ốc với giá 14 triệu đồng từ miền Nam đem về cho ấp nở lấy ốc giống để nuôi. Sau khi trứng nở, ốc con ổn định sẽ thả vào các bể nuôi lấy thịt. Đối với ốc ươm nước cách đáy 30-40 phân, ốc thả thì tùy mật độ bèo che phủ.Trong quá trình nuôi, chú ý phòng trừ các loại bệnh như: sán đầu vòi, đường ruột, mòn đít. Ốc chủ yếu ăn các loại rau, quả; tùy vào độ tuổi của ốc có thể thái lát, băm nhỏ hoặc để nguyên.
Chị Dung ch
ia sẻ: Ốc bươu đen khá dễ mắc bệnh và chết nên người nuôi cần nắm vững kỹ thuật và chú ý phòng trừ bệnh, thời gian nuôi mỗi lứa 3,5 đến 4 tháng. Khi thả ốc giống phải tạo ổ trước, cho ốc vào ổ để tự bò đi, tránh đổ trực tiếp vào bể làm ốc sốc dẫn đến bị chết; chọn lúc trời mát (4-5 giờ chiều) để thả.

Chị cũng đã tự tìm hiểu tài liệu, không ngại khó khăn học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi để áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi nên dù diện tích nuôi còn nhỏ nhưng nó đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Sau khi nuôi 3,5 đến 4 tháng ốc thịt sẽ đạt tỷ lệ 35-40 con 1kg, con to có thể lên tới 20-25 con 1 kg. Đây là nguồn thực phẩm ngon, bổ dưỡng. Thương lái thu mua tại nhà dao động 100-110 ngàn đồng/kg, bán lẻ 120 ngàn đồng/kg. Như vậy, cứ 10 vạn ốc giống, mỗi năm sẽ cho 3 tấn ốc thương phẩm, trung bình mỗi năm gia đình thu về gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn nuôi lấy trứng cho ấp, giá trứng 800– 1 triệu đồng/kg sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu về tầm 250 triệu đồng. Đây là nguồn thu rất cao cho một gia đình nông dân ở vùng nông thôn miền núi. Thời gian tới, gia đình Chị Dung tiếp tục đầu tư làm thêm một trang trại nuôi ốc tại xóm 6 với tổng diện tích lên tới 1000m2.

Mô hình nuôi ốc bươu đen trong nhà lưới của gia đình Chị Dung với quy mô chưa lớn nhưng đây là hướng làm ăn kinh tế mới và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tuyên truyền, vận động hội viên để nhân rộng mô hình. Chị là một trong những gương phụ nữ tiêu biểu trong công tác sử dụng vốn vay từ NHCSXH và hoạt động Hội phụ nữ tại địa phương.
Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, tại các kỳ sinh hoạt sinh hoạt chi hội, chị còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cùng chị em vươn lên làm giàu chính đáng. Thường xuyên tham gia hiến tặng, đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương, vận động hội viên duy trì công tác ra quân vệ sinh môi trường vào ngày chủ nhật xanh, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động tập thể do Hội phụ nữ các cấp và chính quyền địa phương tổ chức. Nhiều năm liền được bầu chọn là Hội viên HTXSNV, gia đình văn hóa tiêu biểu.
Nghi Kiều là xã miền núi, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do vậy, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Khi được nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn SXKD vùng khó khắn, bản thân chị Dung và gia đình rất phấn khởi luôn cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu các biện pháp, khoa học trong chăn nuôi trồng trọt để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tiếp tục tham gia tích cực vào hoạt động hội và đóng góp vào các phong trào thi đua tại địa phương.
Hội LHPN Nghi Lộc