image banner
MỘT SỐ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC, THẪM MỸ CỦA DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT LĂNG MỘ VÀ ĐỀN THỜ NGUYỄN XÍ.

 

Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2280/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí tại xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí tọa lạc tại xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đền được xây dựng năm 1467 để thờ Thái Sư Cương Quốc công Nguyễn Xí. Ông sinh năm Đinh Sửu (1397) tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, đạo Hoan Châu (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Đây là Di tích mang nhiều ý nghĩa đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kho học, thẩm mỹ.

Về giá trị lịch sử: Đền thờ Nguyễn Xí là nơi thờ phụng người anh hùng dân tộc, hai lần là “khai quốc công thần” của triều Hậu Lê. Lần thứ nhất, ông đã kề vai sát cánh, nếm mật nằm gai với chủ tướng Lê Lợi để “bình Ngô dẹp Bắc”, đưa lịch sử đất nước sang một trang mới, thời kỳ vĩnh viễn thoát khỏi ách đô hộ của Trung Hoa. Lần thứ hai, trước nguy cơ vận nước lung lay, vương triều sụp đổ, ông là người khởi xướng các tướng lĩnh đứng lên phò minh quân, diệt bọn nghịch đảng, trung hưng đất nước, xây dựng nên một đế quốc hùng mạnh bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á.  Ông là một con người có nhân cách cao cả, luôn lấy sự bình yên của tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân để hành động, làm lý tưởng phụng sự, sẵn sàng hy sinh quyền lợi, hạnh phúc gia đình cho quốc gia, dân tộc. Trong cuộc đời làm quan phụng sự bốn triều đại vua Lê, Nguyễn Xí đã chứng kiến, thậm chí nếm mùi cay đắng và những thách thức chốn quan trường. Song ông vẫn một lòng một dạ trung trinh. Nguyễn Xí không chỉ là một vị tướng lỗi lạc mà còn là một nhà chính trị có nhãn quan sáng suốt. Ông đã có đủ tinh tế và nhân hậu cần thiết của một nhà chính trị tài ba. Sống và làm việc giữa chốn quan trường đầy bất trắc, hàng loạt khai quốc công thần bị vu cáo hãm hại, ấy thế mà Nguyễn Xí vẫn vượt qua được mọi bất trắc để bảo vệ vương triều, ổn định chính trị, bảo vệ đất nước, phù tá bậc minh quân thánh chúa xây dựng đất nước vững mạnh. Ông đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp phục hưng của đất nước ta ở thế kỷ XV. Cuộc đời và sự nghiệp của Cương Quốc công Nguyễn Xí luôn sống mãi trong sự nghiệp của dân tộc và được muôn đời tôn vinh.  

Anh-tin-bai

Đền thờ Nguyễn Xí (Nguồn: Baonghean.vn)

Di tích lăng mộ và đền thờ Nguyễn Xí còn là nơi ghi dấu bao biến đổi thăng trầm của thời cuộc. Tìm hiểu về nhân vật và di tích còn giúp chúng ta hiểu hơn về lịch sử của đất nước, lịch sử của quê hương. Đặc biệt qua đây, còn cho chúng ta nhiều thông tin quý giá về sự hình thành làng xã ở vùng duyên hải Nghệ An, đặc biệt là vùng Cửa Lò, Cửa Hội. Sự cảm hóa Nguyễn Xí đối với các hàng binh nhà Minh và hàng binh Chiêm Thành đã hình thành nên một cộng đồng dân cư mới của Đại Việt, xoa dịu vết thương chiến tranh, tăng cường mối đại đoàn kết dân tộc. Đây là bài học lịch sử quý báu cho ngàn đời sau trong công tác dân vận để cố kết nhân tâm.  

Về giá trị văn hóa:  Trải qua hơn 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã làm nên biết bao sự nghiệp kỳ diệu. Những sự nghiệp không chỉ được ghi chép trong  sử sách mà còn được ghi tạc trên núi sông khắp mọi miền đất nước từ Móng Cái đến Mũi Cà Mau không có địa phương nào không có những di tích nhắc lại, ghi dấu biết bao chiến công oai hùng trong đấu tranh giữ nước của cha ông.

Biết bao nhiêu đền đài miếu mạo thờ tự các vị anh hùng được dựng nên ở những nơi sơn thanh thuỷ tú, hàng năm mở hội hè đình đám thu hút hàng ngàn người đến chiêm ngưỡng. Những đền đài miếu mạo đó là những công trình kiến trúc, công trình mỹ thuật quý giá, tiêu biểu cho tài năng trí tuệ của cha ông.

Đền thờ Nguyễn Xí là ngôi đền “quốc tạo quốc tế” vì thế ở đây ít nhiều mang phong cách cung đình pha lẫn chất dân gian xứ Nghệ. Tại di tích còn lưu giữ được nhiều văn hóa phi vật thể được thể hiện trong các nghi lễ cúng tế, lễ hội, rước thần... Và hàng trăm cổ vật quý hiếm, có giá trị nghiên cứu trên nhiều mặt như lịch sử, địa lý, văn hóa, văn học... Đặc biệt có những tài liệu quý góp phần bổ sung vào những nghi vấn, thiếu sót của chính sử như văn bia, sắc phong, gia phả...

Nghiên cứu đền thờ Nguyễn Xí còn giúp chúng ta hiểu hơn về sự diễn biến kiến trúc qua các thời kỳ lịch sử từ thời Lê Sơ đến thời Nguyễn và thời cận đại, hiện đại. Đây như một bảo tàng sống động về nghệ thuật chạm khắc trên gỗ, nghệ thuật khảm sành sứ, nghệ thuật nề ngõa bằng chất liệu truyền thống như vôi vữa, mật mía, giấy gió, bồ hóng, bời lời... đây là những chất liệu có sức bền với thời gian, chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Hiện nay, các chất liệu truyền thống trong xây dựng gần như đã bị thất truyền, việc nghiên cứu, tìm hiểu trên các công trình kiến trúc cổ góp phần mở ra tương lai cho việc phục hồi nghề sản xuất chất liệu xây dựng truyền thống và phục hồi, tu bổ di tích theo kiểu cổ truyền.      

Về giá trị khoa học, thẩm mỹ: Đến với đền thờ Nguyễn Xí là dịp để chúng ta tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc có công với đất nước với nhân dân, đồng thời là dịp để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các công trình kiến trúc tâm linh do tài năng và trí tuệ của cha ông ta xây dựng nên. Đó chính là những giá trị tinh thần và vật chất góp phần bồi đắp nên nền tảng văn hóa cho chúng ta ngày nay.  

Có thể nói đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí là công trình kiến trúc cổ còn tương đối nguyên vẹn và có giá trị lớn về khoa học và thẩm mỹ.  

Nói đến giá trị khoa học của Lăng mộ và đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí trước hết là nói về việc lựa chọn vị trí xây dựng công trình. Cách đây 600 năm trước, vùng Thượng Xá biển còn ăn sâu vào trong đất liền, khi đó cửa Xá chưa bị bồi lấp nên vùng này chịu tác động rất lớn của biển, nhất là vấn đề mưa gió, bão lụt, xâm nhập mặn nhưng người xưa đã lựa chọn được vị trí xây đền hết sức đắc địa. Đó là một gò đất cao ráo, thoáng đãng để đảm bảo yếu tố không bị ngập lụt. Đồng thời bao bọc xung quanh bốn hướng không xa lắm là những núi non kỳ vĩ như núi Voi, núi Kiếm, núi Mão, núi Cờ có tác dụng như những lớp tường thành tự nhiên bảo vệ, che chắn trước những cơn gió lốc về mùa hè, gió bão về mùa đông. Xét về mặt phong thủy, cả Lăng mộ và đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí đều tọa lạc ở vị trí cát địa, tụ linh tụ phúc.  

Thứ hai là nghệ thuật bố trí mặt bằng. Bước vào khu đền thờ ta thấy mặt bằng di tích được đắp cao và có chiều hướng cao dần từ ngoài vào trong. Các công trình kiến trúc được bố trí đăng đối, có tiền có hậu, có tả có hữu, có thượng có hạ tạo nên một tổng thể mặt bằng kiến trúc hài hoà và cân đối. Trên mặt bằng ấy đã kiến thiết những công trình kiến trúc uy nghi, bề thế.  

Khu vực Nghi môn được bố trí theo kiểu chữ “Môn”, gồm Trụ đăng và Tam quan. Các bộ phận kiến trúc được nối tiếp nhau bởi hệ thống tường zắc liên hoàn. Với cách bố trí mặt bằng như vậy đã tạo sự tôn nghiêm, đường bệ cho công trình. Hơn nữa với cách bố trí như vậy đã tránh được gió bão đổ dồn vào một chỗ và một phía. Chính vì vậy công trình này đã có tuổi thọ gần 100 năm những vẫn tồn tại sừng sững uy nghiêm.   

Khu đền chính có mặt bằng kiến trúc kiểu nội  nội công, ngoại quốc” gồm Hạ điện, Lầu chuông, Lầu khánh, Tả vu, Hữu vu, Trung điện, Thượng điện. Cách bố trí như vậy rất kín đáo mà vẫn thoáng mát bởi có một khoảng sân lộ thiên ở giữa tạo cho không khí và ánh sáng tự nhiên chiếu được vào trong, mùa hè dịu mát, mùa đông ấm áp. Chính sự khép kín liên hoàn đã tăng thêm không gian thiêng cho di tích. Trải qua qua bao vật đổi sao dời, thiên tai bão lụt nhưng các công trình kiến trúc vẫn tồn tại sừng sững uy nghiêm.

Các công trình kiến trúc còn được kết hợp hài hoà với môi trường cảnh quan tự nhiên. Phía trước Nghi môn là hồ bán nguyệt vừa tạo thế phong thủy cho đền, vừa có tác dụng điều hòa không khí tự nhiên. Bao bọc xung quanh di tích là hệ thống cây xanh với những cây cổ thụ hàng trăm năm. Với cách bố trí mặt bằng kiến trúc cân đối kết hợp với môi trường cảnh quanh thanh tú tạo nên một bầu không khí mát mẻ tĩnh mịch, thư thái. Qua cách bố trí các công trình kiến trúc trên ta thấy được trình độ kỷ thuật xây dựng của người xưa hết sức cao. Người xưa đã biết vận dụng, hay nói cách khác họ đã nắm bắt quy luật của tự nhiên để từ đó tạo nên những công trình kiến trúc vừa đảm bảo về giá trị thẩm mỹ vừa có giá trị sử dụng cao.

Các bộ phận kiến trúc được bố trí theo tôn ty, đăng đối, hài hòa, đó là những mẫu mực của hệ tư tưởng Nho giáo. Qua đó ta thấy rằng hệ tư tưởng Nho giáo không chỉ ăn sâu vào tư tưởng con người mà còn được thể hiện trong các công trình kiến trúc. Mặc dầu di tích đã trải qua nhiều lần tu sửa những mặt bằng kiến trúc vẫn không hề thay đổi.

Thứ ba là về kỹ thuật xây dựng. Đáng chú ý nhất là công trình Nghi môn và tòa Trung điện. Các công trình kiến trúc cổ của người Việt nói chung và ở Nghệ An nói riêng thường thấp bé, có xu hướng mở rộng theo chiều ngang nhiều hơn là phát triển theo chiều cao nhưng đến với đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí chúng ta thấy hoàn toàn khác. Ở đây, chúng ta thấy cao độ của công trình đã được nâng lên một tầm mới, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các công trình đồng đại. Trong điều kiện thiên nghiên khắc nghiệt như ở Nghệ An, mỗi năm phải hứng chịu cả chục cơn bão lớn, vị trí công trình lại gần biển, vật liệu hoàn toàn truyền thống, thủ công, không có bê tông cốt thép làm lõi nhưng công trình vẫn vươn cao cùng trời xanh, đương đầu với tuế nguyệt chứng tỏ kỹ thuật xây dựng của người xưa đã đạt đến trình độ điêu luyện. Vì thế mà trải qua cả trăm năm, công trình vẫn đứng vững cùng trời đất, những màu sơn kẻ vẽ vẫn tươi nhuận cùng năm tháng.

Thứ tư là nghệ thuật trang trí trên kiến trúc. Ở đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí việc trang trí trên kiến trúc rất được chú trọng và tỷ mỹ đến từng chi tiết nhỏ. Các đề tài trang trí rất phong phú và đa dạng, về linh vật có: tứ linh, lưỡng long triều nguyệt, long ngư hí thủy, phượng hàm thư, phượng vũ, hổ phù, hổ, long mã phụ hà đồ, thần quy phụ lạc thư, rùa đội hạc, nghê, lân, sư tử, voi, ngựa, dơi, cá chép, chim, chuột… Về cỏ cây hóa lá có: tứ quý, mai hóa long, trúc hóa long, dây leo hóa rồng, hoa thị, lựu, đào, nho, phật thủ, cúc, sen, lá đề… về người và bảo vật có: lính canh, bát tiên, bát bửu, lược, đàn, sáo, kiếm, quạt, dây thao, bầu rượu, túi thơ, văn triện…  chủ yếu là thể hiện trên chất liệu vôi vữa và chạm khắc trên chất liệu gỗ. Những họa tiết trang trí trên vôi vữa đều được đắp nổi và tô màu, tông màu chủ đạo là màu hoàng thổ, màu đỏ nâu và màu xanh lam, ở một số chi tiết cần phải làm nổi bật thì được khảm sứ men xanh lục để tạo điểm nhấn. Những họa tiết chạm khắc trên chất liệu gỗ thì chủ yếu sử dụng kỹ thuật chạm bong kênh, chạm lộng, chạm vỏ măng và chạm nổi, họa tiết thường để mộc, không sơn thếp nên các đường nét chạm khắc rất sắc sảo, tinh vi đến từng chi tiết nhỏ nhất trên bức chạm. Với bàn tay tài hoa, người nghệ nhân đã thổi hồn vào mỗi mảng trang trí, tạo nên những bức tranh vô cùng sinh động. Đặc biệt nhất là những mảng chạm, mảng đắp hình linh vật, nhìn vào có cảm giác như con vật đang chuyển động, chạy nhảy, đùa dỡn, múa lượn trung bay trong không gian ba chiều. Các mảng trang trí trên kiến trúc còn có tính khái quát cao trong bố cục, sự hài hoà, đăng đối của từng phần và toàn cục, giữa đường nét và hình khối. Ở đây ta thấy có sự tiếp thu và kế thừa dòng nghệ thuật cung đình, được thể hiện qua việc bố trí mặt bằng kiến trúc, các đề tài hoạ tiết trang trí đều đề cao tư tưởng Nho giáo.     

Bằng tài năng, trí tuệ của các nghệ nhân xưa đã sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, tô thêm vẻ đẹp cho nền mỹ thuật nước nhà. Ngày nay chúng ta phải gìn giữ và trân trọng những giá trị văn hoá của cha ông ta đã xây đắp nên. Qua những tác phẩm nghệ thuật cũng như các công trình kiến trúc chúng ta hiểu thêm được tài năng, thế nhìn, thế đứng  của cha ông ta trong quá  trình lịch sử dựng nước và giữ nước.        

Ngày nay bước vào di tích, ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hài hoà của công trình kiến trúc và hệ thống cây cảnh, ao hồ tạo cho ta một cảm giác vừa thân quen, gần gũi và tươi mát của cuộc sống thôn dã. Đồng thời cảm thấy sự uy nghiêm, tôn kính của chốn đền đài... Di tích có lịch sử gần 600 năm trải qua bao vật đổi sao dời nhưng vẫn trường tồn cùng với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của Cương quốc công Nguyễn Xí.   

PHÒNG VHTT HUYỆN

 

TIN MỚI
BẢN ĐỒ HUYỆN NGHI LỘC
image

Tin tức
  • NGHI LỘC TÍCH CỰC TRỒNG RỪNG ĐẦU XUÂN
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGHI LỘC
Chịu trách nhiệm nội dung: UBND huyện Nghi Lộc
Trụ sở: K6 thị trấn Quán Hành, Huyện Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0919.523.909 - 0915.050.987 - Email: truyenhinhnghiloc@gmail.com