image banner
Câu chuyện Đại đội TNXP 333 tại Cầu Cấm – Đơn vị được Bác Hồ gửi thư khen tặng.

 

Địa điểm lịch sử Cầu Cấm, được gọi là “Tọa độ lửa anh hùng”. Đây là địa điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc-Nam. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, địa điểm cầu Cấm  là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, là trọng điểm đánh phá, oanh tạc bằng máy bay của Đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt sự chi viện từ Bắc vào Nam. Hàng vạn tấn bom mìn của đế quốc Mỹ trút xuống trận địa cầu Cấm. Nơi đây đã chứng kiến sự chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân ta nhằm bảo vệ cầu Cấm, bảo vệ giao thông huyết mạch Bắc-Nam. Hàng trăm chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh hy, góp phần to lớn trong chiến thắng Đế quốc Mỹ xâm lược. Địa điểm Cầu Cấm đã xuất hiện nhiều chiến tích kỳ diệu mang tính huyền thoại, trong đó có câu chuyện Đại đội TNXP 333 được Bác Hồ gửi thư khen tặng.

Đại đội Thanh niên xung phong 333 được thành lập ngày 13/5/1965. Buổi đầu đơn vị có 139 đội viên, trong đó có 72 đội viên nữ, 67 đội viên nam, tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 18 đến 20 tuổi. Đại đội trưởng đầu tiên là đồng chí Nguyễn Văn Lịch, sau khi đồng chí Lịch được điều động đi làm nhiệm vụ khác, đồng chí Nguyễn Nhật Quang được cử về làm đại đội trưởng chỉ đạo trực tiếp đơn vị làm nhiệm vụ tại trận địa cầu Cấm.

Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại ác liệt của không quân Mỹ, đơn vị đã từng lặn lội mở đường, san lấp hố bom, bắc cầu trên các tuyến đường ác liệt như đường 15A, đường 34 và mạng đường xương cá nối đường chiến lược 15A với đường 49…ở bất kỳ nơi đâu, thực hiện nhiệm vụ nào đơn vị cũng hoàn thành xuất sắc.

Tháng 11/1965 đơn vị được giao nhiệm vụ sửa chữa bảo đảm giao thông đường sắt từ ga Mỹ Lý đến cầu Cấm. Đây là địa bàn bị máy bay Mỹ đánh phá dữ dội bằng các loại bom bi, rốc két và các loại đạn pháo kích từ hạm đội 7 bắn vào. Đầu năm 1966, đơn vị tiếp tục được giao nhiệm vụ san lấp hố bom đắp bổ sung mố cầu phía Bắc, làm đường tránh đi qua xã Nghi Thuận, đồng thời phối hợp với các đơn vị làm cầu phao dự phòng khi cầu phà bị đánh hỏng. Tháng 6 năm 1966 đại đội được lệnh chuyển về xóm Bắc Sơn, xã Nghi Hưng cách cầu Cấm 4km để làm đường tránh qua cầu phao dài 96m.

Chiều ngày 15/7/1966 trong lúc đơn vị đang làm đường thì máy bay Mỹ lao tới ném bom, hàng loạt đạn pháo từ hạm đội 7 bắn vào, đơn vị đã tổ chức sơ tán vào chân núi Thông . Sau khi máy bay Mỹ rút, đơn vị được lệnh ra hiện trường san lấp hố bom với khối lượng 1400m³ đất đá trong vòng 01 tháng để kịp thông xe. Anh em trong đơn vị đã làm việc không kể ngày đêm, hoàn thành vượt kế hoạch được giao trước 15 ngày. Đầu tháng 9/1966 đơn vị lại hành quân đến nơi ở mới, cách trọng điểm cầu Cấm gần 5km với nhiệm vụ san lấp hố bom, đắp bổ sung mố cầu phía Bắc và bắc cầu phao bảo đảm cho các loại phương tiện lưu thông. Để tiến hành công việc có hiệu quả, Ban chỉ huy đại đội đã huy động 1/3 lực lượng lao động san lấp hố bom, 2/3 lực lượng phối hợp với công nhân đội cầu 73 của ngành giao thông vận tải làm dầm cầu, rải tà vẹt kéo đường ray, đóng cọc. Vậy nên chỉ sau 1 tuần lễ lao động khẩn trương, đơn vị đã làm xong đoạn đường sắt và làm xong cầu tạm.

Ngày 19/9/1967, toàn đơn vị đang thi công, sửa chữa, gia cố đường tránh qua cầu tạm, đồng thời tập trung chặt lá cây ngụy trang thì có tiếng kẻng báo động. Một tốp gồm 3 máy bay Mỹ từ biển Cửa Lò vào thả hàng loạt bom, pháo sáng xuống trận địa, đồng chí Nguyễn Văn Phương không kịp vào hầm trú ẩn, bị mảnh bom tạt xuyên qua lồng ngực, hy sinh ngay tại trận địa.

Đêm ngày 20/10/1967, đơn vị được mật báo phải lao động khẩn trương đảm bảo an toàn cho đoàn xe ô tô chở vật tư quốc phòng đặc biệt đi gấp vào chiến trường B. Trong đoàn xe có đồng chí Phan Trọng Tuệ - Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải đi cùng. Sau khi nhận được mật báo Ban chỉ huy đại đội đã họp bàn kế hoạch và triển khai phân công nhiệm vụ, huy động 2 tiểu đội A5 (do đồng chí Nguyễn Văn Trực làm A trưởng) và tiểu đội A7 (do đồng chí Lê Đức Tần làm A trưởng) làm nhiệm vụ, lấy đá hộc, gỗ thông để chống lầy cho xe đi qua, đơn vị vừa làm xong thì đoàn xe tới. Do trời mưa to, đường nhiều ổ gà, xe đi qua phà bị nghiêng nên một số bao gạo rơi xuống sông. Ngay lập tức, đơn vị đã lấy gạo của mình bù cho số gạo bị rơi ướt đảm bảo cho xe đủ hàng vào chiến trường đồng thời cho trục vớt số gạo dưới sông để lại cho đơn vị sử dụng.

Ngày 25/10/1967, một tốp máy bay F100, F105 từ ngoài biển Cửa Lò kéo vào, bắn rốc két, ném bom vào đồi 200, nơi đóng quân của bộ đội phòng không làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Cấm. Lúc này, một tiểu đội thuộc đại đội 333 đang luyện tập kỹ thuật sử dụng súng phòng không cùng đơn vị bộ đội pháo cao xạ, phát hiện tốp máy bay đang tăng tốc ném bom đã cử người báo với chỉ huy của bộ đội phòng không. Ngay sau đó, toàn bộ hỏa lực của ta đồng loạt nổ súng. Một chiếc máy bay Mỹ trúng đạn pháo bốc cháy, tên phi công Mỹ nhảy dù xuống vùng núi Đập (thuộc xã Nghi Yên). Tiểu đội trực chiến của đại đội 333 được lệnh triển khai lực lượng phối hợp với bộ đội và nhân dân xã Nghi Yên vây bắt. Sau 3 giờ bủa vây quân và dân ta đã bắt được tên giặc lái, đưa về quân khu IV.

Cuối năm 1967 đại đội 333 thành lập thêm một tiểu đội rà phá bom từ trường, bom nổ chậm do đồng chí Nguyễn Văn Huyến chỉ huy. Để phá bom nổ chậm, các anh có sáng kiến đào hầm ở  hai phía đoạn đường có bom từ trường rồi kéo thùng phuy hoặc thanh sắt qua lại để kích nổ. Nếu làm quá xa thì dây dài, nặng và vướng mắc nên các anh thường sử dụng hố bom, hố pháo gần nhất để tránh rồi kích nổ. Từ cuối năm 1967 đến cuối năm 1968 tiểu đội đã ra phá được 127 quả bom nổ chậm, bom từ trường. Trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, Đại đội 333 vẫn kiên cường bám trụ và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ngày 27/1/1969 đại đội 333 vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng 1 đài rađiô. Trong thư Bác viết: “Suốt 4 năm nay, Đội thanh niên xung phong số 333 nhận nhiệm vụ làm đường, sửa cầu ở một nơi địch thường đánh phá ác liệt, có nhiều khó khăn gian khổ…Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng…Giặc Mỹ đã thua to ở hai miền nước ta, chúng đang thất bại ngày càng nặng nề hơn ở miền Nam, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố, chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Vì vậy Bác nhắc nhở các cháu: phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình,tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước…”

Đây là một niềm tự hào không chỉ của đơn vị 333, mà đó còn như là lời động viên, quan tâm của Bác với toàn bộ lực lượng Thanh niên xung phong trên khắp cả nước. Lá thư của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của đơn vị 333, là động lực để lực lượng thanh niên xung phong yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Hiện nay, đơn vị TNXP 333 đã được công nhận là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tại trận địa cầu Cấm, ngoài đại đội 333 còn có nhiều đại đội khác như: 313, 316, 306, 314, 329, 324, 330, 331, 339…cùng bảo vệ, chiến đấu, hy sinh xương máu để làm nhiệm vụ thông xe, thông tàu với khẩu hiệu: “Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Trung Thành

TIN MỚI
BẢN ĐỒ HUYỆN NGHI LỘC
image

Tin tức
  • NGHI LỘC TÍCH CỰC TRỒNG RỪNG ĐẦU XUÂN
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGHI LỘC
Chịu trách nhiệm nội dung: UBND huyện Nghi Lộc
Trụ sở: K6 thị trấn Quán Hành, Huyện Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0919.523.909 - 0915.050.987 - Email: truyenhinhnghiloc@gmail.com