image banner
THIẾU TƯỚNG HOÀNG ĐAN

Đồng chí Hoàng Đan sinh năm 1928 tại làng Kim Hòa, Tổng Kim Khê, nay là xóm 17 - xã Nghi Thuận - Nghi Lộc - Nghệ An. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình và một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, nhân nghĩa, hiếu học.

Ngay từ thời niên thiếu, ông Hoàng Đan đã buộc lộ khí chất yêu nước thương dân, căm thù áp bức bóc lột; muốn làm việc đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân đập tan cường bạo; quên mình vì ích nước, lợi dân.

Đầu năm 1945, trong không khí sục sôi cách mạng của cả nước, mới 17 tuổi, ông Hoàng Đan đã hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng.

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ông được bầu là Ủy viên BCH Mặt trận Việt Minh huyện Nghi Lộc, cùng các đồng chí tổ chức biểu tình kêu gọi, vận động nhân dân đứng lên khởi nghĩa.




Thiếu tướng Hoàng Đan


Ngày 21 tháng 8 năm 1945, ông cùng nhân dân cướp chính quyền huyện.

Tháng 11 năm 1945, là cán bộ của tỉnh Bộ Việt Minh, ông tham gia tuyên truyền cho bầu cử Quốc hội.

Tháng 2 năm 1946, nhận ra năng khiếu quân sự, Mặt trận giới thiệu ông vào học trường Quân chính Liên khu 4.

Tháng 10 năm 1946, ông được công nhận đảng viên chính thức, giữ chức chính trị viên đại đội.

Năm 1948, là đại đội trưởng, huyện Ủy viên huyện Triệu Phong, Qảng Trị.

Năm 1949 là tiểu đoàn trưởng thuộc trung đoàn 57, đại đoàn Vinh Quang 304.

Những năm 1949 - 1952 với sự dũng cảm mưu trí, sáng tạo đồng chí đã chỉ huy tiểu đoàn thực hiện đặc biệt xuất sắc nhiều nhiệm vụ, đánh thắng nhiều trận ở chiến trường Bình - Trị - Thiên và Thanh Hóa, Ninh Bình. Chỉ trong năm 1952, ở khu vực Ninh Bình, đồng chí đã chỉ huy tiểu đoàn đánh 5 trận công kiên toàn thắng, diệt gọn 5 đại đội địch, trong đó có hai đại đội lính Âu - Phi. Theo đánh giá của Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo: "Thắng lợi của trận Bến Xanh, Ninh Bình mở ra một trình độ tác chiến mới của Quân đội ta".

Năm 1952, đồng chí tham gia chiến dịch Trung Lào, chỉ huy bộ đội giải phóng Cánh đồng Chum.

Tháng 11/1953, là Trung đoàn phó, đồng chí tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tháng 8/1954, là Trưởng ban tác chiến Sư đoàn 304. Tháng 6/1965, là Phó trưởng phòng nghiên cứu Trường Trung - Cao cấp quân sự (Tiền thân của Học viện Quốc phòng).

Từ năm 1960 - 1964, đồng chí học ở Học viên quân sự Phờ - Run - De Liên Xô cũ.

Từ năm 1964 - 1965, chủ nhiệm khoa Bộ Binh, Học viện Quân Chính.

Từ năm 1965 - 1974, Hoàng Đan chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên khói lửa.

Năm 1965, là Phó Tư lệnh Sư đoàn 304B. Ông trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở chiến trường sôi động nhất Đông Dương: Đường 9 Khe Sanh; hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ: đánh 7.000 quân Mỹ, giành dật cửa ngõ Nam tiến cho quân ta và giam chân quân địch, tạo điều kiện cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Sư đoàn Hoàng Đan đã đánh thắng quân Mỹ trong các trận làng Vây, Tà Cơn nổi tiếng, mở đầu thời kỳ tác chiến hiệp đồng binh chủng của Quân đội ta trong chiến tranh chống Mỹ; làm phá sản hoàn toàn chiến lược "Tìm diệt" của Mỹ - Ngụy; mở đầu thời kỳ Việt Cộng tìm diệt Mỹ - Ngụy; phá tan "Cánh cửa thép"của ngụy quân, mở rộng hành lang Nam tiến cho Quân đội ta.

Năm 1971, là Tư lệnh Sư đoàn 304, đồng chí tham gia Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, tiếp tục mở toang hành lang Nam tiến.

Gần trọn năm 1972, đồng chí tham gia 3 Chiến dịch, thực hiện xuất sắc: "Đánh giỏi, diệt gọn, thắng lớn", góp phần giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: "Sư đoàn 304 là một trong những sư đoàn thép của QĐNDVN". Quân địch gọi Hoàng Đan là Tư lệnh "Hổ Xám".

Tháng 11/1973, là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đoàn 1 mới được thành lập.

Tháng 5/1974, là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đoàn 2 mới được thành lập.

Đồng chí Hoàng Đan đã trực tiếp tham gia, giải quyết xuất sắc trên thực tế các vấn đề về: Cơ cấu tổ chức, huấn luyện, tác chiến cấp Quân đoàn; làm cơ sở cho tác chiến hiệp đồng quân - binh chủng trong chiến tranh giải phóng.

Tháng 6/1974, ông thay mặt Tư lệnh Quân đoàn 2 tham gia Bộ chỉ huy Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức. Chỉ trong 3 giờ, đồng chí đã chỉ huy bộ đội đánh chiếm Thượng Đức, phá tan "Mắt Ngọc", mở toang "Cánh cửa thép bất khả xâm phạm" của quân địch; giải phóng vùng phía Tây Đà Nẵng. Trận đánh này mở ra giai đoạn ta chuyển sang thực hiện những đòn tiến công chiến lược, giành thắng lợi hoàn toàn.

Tháng 3/1975, là Tư lệnh phó Quân đoàn 2, đồng chí đã chỉ huy mũi tiên phong của Quân đoàn, thực hiện "Thần tốc, táo bạo, quyết thắng", tiến hành liên tiếp các trận đánh giải phóng Trị - Thiên, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Cực Nam Trung bộ: Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết.

Người treo lá cờ Chiến thắng trên đỉnh cột Phú Văn Lâu là chiến sĩ thuộc đơn vị Hoàng Đan. Đồng chí cũng là người chỉ huy cấp Quân đoàn đầu tiên có mặt ở Đà Nẵng đã giải phóng. Người ta gọi đồng chí là Tư lệnh "Tốc chiến, tốc thắng".

Tháng 4/1975, ông là Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, trực tiếp chỉ huy mũi tiến công theo Quốc lộ 1 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 04 năm 1975, đồng chí Hoàng Đan là người đầu tiên với cương vị Phó Tư lệnh Quân đoàn có mặt ở Dinh Độc Lập.

Hai chiếc xe tăng 843 và 390 húc đổ cánh cữa sắt Dinh Độc Lập là xe tăng thuộc quyền chỉ huy của đồng chí Hoàng Đan.

Người phất lá cờ Chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập, người trực tiếp nhận sự đầu hàng của chính quyền ngụy đều là các cán bộ thuộc đơn vị của đồng chí Hoàng Đan.

Đồng chí đã trực tiếp ra lệnh cho Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hành - phụ tá Tổng thống ngụy, truyền lệnh đầu hàng vô điều kiện cho các đơn vị quân ngụy. Đồng chí Hoàng Đan cũng là người trực tiếp tham gia nội dung "Thông báo số 1" của quân giải phóng.

Sau chiến tranh, tháng 4/1976, đồng chí là Phó Giám đốc phụ trách huấn luyện đầu tiên của Học viện Quân sự cấp cao mới được thành lập.

Năm 1977, đồng chí Hoàng Đan vinh dự được phong tặng quân hàm thiếu tướng.

Ngày 21 tháng 2 năm 1979, sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra 4 ngày, thiếu tướng chí Hoàng Đan được giao làm Tư lệnh Quân đoàn 5 mới được thành lập, kiêm Tư lệnh Mặt trận Lạng Sơn. Từ Tư lệnh "Hổ Xám" đến "Tư lệnh tốc chiến", đồng chí đã trở thành "Tư lệnh be bờ", chống chọi với hơn 60 vạn quân xâm lược.

Tháng 2/1981, là Phó Tư lệnh - Tham Mưu Trưởng Quân khu 1.

Từ 1979 đến 1983 đồng chí Hoàng Đan đã tham gia trực tiếp chỉ đạo, triển khai trên thực tế việc chống địch Xâm lược, lấn chiếm, chọi pháo và phòng ngự khu vực theo tuyến, giải ở Quân khu 1, Quân khu 2 và phía Bắc Việt Nam.

Tháng 7 năm 1983, đồng chí được cử giữ chức Phó Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự /Bộ Tổng Tham Mưu. Tháng 6 năm 1990 là cục trưởng Cục khoa học - Công nghệ - Môi trường Quân sự Bộ Tổng Tham Mưu.

Năm 1995, thiếu tướng Hoàng Đan nghỉ hưu. Nguyên Tổng bí thư trung ương Đảng, Thượng tướng Lê Khả Phiêu đánh giá: "Nói đến đồng chí Hoàng Đan - tướng Hoàng Đan, toàn quân ai cũng biết rõ và ngưỡng mộ ông. Một con người hầu như cả cuộc đời, cả sự nghiệp của ông đều gắn bó trong lĩnh vực quân sự. Ông trực tiếp chỉ huy chiến đầu trên các chiến trường từ những năm kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ với những cương vị khác nhau, … Tham gia nhiều chiến dịch lớn, am hiểu và tinh thông, sáng tạo vận dụng các hình thức nghệ thuật tác chiến từ phân đội nhỏ đến các chiến dịch binh chủng hợp thành qui mô lớn trong tiến công, phòng ngự. Trong đánh địch có công sự kiên cố cũng như đánh địch vận động. Phần lớn các trận đánh đều đạt hiệu quả cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đồng chí là một người chỉ huy có bản lĩnh, mưu trí, sáng tạo, những nơi gặp khó khăn, những tình huống phức tạp, đồng chí thường được trên giao xuống trực tiếp tìm hiếu tình hình và tìm cách giúp đỡ đơn vị khắc phục. Đồng chí còn là một nhà giáo, nhà quản lý khoa học quân sự giỏi, với dày dặn kinh nghiệm qua thực tiễn chiến trường nhiều năm nên ông có uy tín lớn trong quân đội và nhân dân ta. Tuy ông đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi ông được quân đội mãi mãi học tập".

Ngày 11/11 năm Quý Mùi, sau một cơn đau tim đột ngột, thiếu tướng Hoàng Đan - người Anh hùng của Lực lượng vũ trang đã vĩnh biệt chúng ta, đi vào cõi vĩnh hằng.

Tiếc thương thiếu tướng Hoàng Đan, Ban liên lạc Cựu chiến binh Bình - Trị - Thiên có thơ viếng:

Tướng giỏi như anh được mấy người

Chiến công lừng lẫy khắp nới nơi.

Sống tình, nghĩa, trung thành vô hạn

Chết nhẹ nhàng về đất Mẹ Nghệ An.

Thật là:

Trí, dũng, tín, nhân thơm tiên tổ

Lừng lẫy chiến công rạng giống nòi

Trung - hiếu vẹn toàn muôn dân nhớ

Nghĩa - tình sau trước vạn người noi.

76 tuổi đời, 57 tuổi đảng, gần 50 năm quân ngũ. Có thế nói, ở tầm toàn quốc, toàn quân, chiến trường nào ác liệt, gian khổ nhất có Hoàng Đan. Trận, chiến dịch nào, chiến thắng nào có ý nghĩa nhất có Hoàng Đan.

Cuộc đời người Anh hùng đã minh chứng: Hoàng Đan là một chiến sỹ - tướng lệnh bộ đội Cụ Hồ, Trí - Dũng - Văn - Võ kiêm toàn; một cán bộ - Đảng viên không màng quyền, danh, lợi; một đồng chí - đồng đội luôn thương yêu, chăm lo và ba cùng với bộ đội; một người vẹn tình, trọn nghĩa với quê hương; một trai họ Hoàng tận tâm, tận lực với ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em, họ tộc.


Đình Dương

Tổng hợp

BẢN ĐỒ HUYỆN NGHI LỘC
image

Tin tức
  • KỲ DIỆU LÃO THỤ 700 TUỔI
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGHI LỘC
Chịu trách nhiệm nội dung: UBND huyện Nghi Lộc
Trụ sở: K6 thị trấn Quán Hành, Huyện Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0919.523.909 - 0915.050.987 - Email: truyenhinhnghiloc@gmail.com