Những năm gần đây, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, mưa lũ kéo dài gây khó khăn trong sản xuất và thu hoạch nông sản. Xuất phát từ thực tế đó, nhu cầu về hệ thống xử lý và bảo quản nông sản sau thu hoạch là rất cần thiết. Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã có các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng lò sấy nông sản song không triển khai được.
Những năm gần đây, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, mưa lũ kéo dài gây khó khăn trong sản xuất và thu hoạch nông sản. Xuất phát từ thực tế đó, nhu cầu về hệ thống xử lý và bảo quản nông sản sau thu hoạch là rất cần thiết. Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã có các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng lò sấy nông sản song không triển khai được.
Đã nhiều năm sản xuất nông nghiệp nhưng chưa năm nào nông dân huyện Nam Đàn gặp khó khăn như năm 2011 này. Chị Đậu Thị Lương, xóm Đồng Văn, xã Hùng Tiến (Nam Đàn) chia sẻ: "Mọi năm mất mùa nhưng sản phẩm thu hoạch về còn phơi được nên vẫn có gạo ăn và rơm rạ cho gia súc.
Năm nay không chỉ người đói, trâu bò cũng đói vì rơm rạ thối hết, người nông dân cần mua rơm rạ cho trâu bò ăn tránh rét cũng không có. Gia đình tôi may mắn mua được 3 sào rơm với giá 1 triệu đồng mà mừng. Vụ hè thu năm 2011 vừa qua, gia đình gieo cấy 4,5 sào lúa, thu hoạch được 1 tấn lúa, nhưng gặp mưa lụt kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11, lúa không phơi được, hư hỏng nhiều. Nhà tôi may có sân rộng nên còn re được lúa, bị hư hỏng hơn 2 tạ lúa, nhưng hơn 7 tạ còn lại lúa bị lên mầm, chất lượng gạo kém ăn không ngon".
Bảo quản nông sản sau thu hoạch rất cần thiết với nông dân
Hộ ông Lê Văn Cảnh (xóm Đồng Văn) trồng hơn 5 sào lúa hè thu, sau bao vất vả chăm sóc thu hoạch được gần 1 tấn lúa, cả nhà mừng khấp khởi. Song niềm vui chưa được tày gang bởi mưa kéo dài hơn 2 tháng ròng, nhà chật hẹp, không có chỗ phơi, toàn bộlúa đều bị mọc mầm tốt như mạ non, gần 1 tấn lúa phải đập bột cho bò, lợn ăn. Ông xót xa với bao vốn liếng, công sức tảo tần sớm khuya, giờ đây trôi theo lụt...
Chị Nguyễn Thị Hường (xóm Đồng Văn) than thở: Vụ hè thu gia đình tôi trồng 4 sào lúa, từ khi xuống giống đã gặp mưa, bịhỏng, phải gieo đi gieo lại 4 lần. Đến cuối vụ thu hoạch được 6 tạ lúa, nhưng lúa kém chất lượng với nhiều hạt lép. Thế nhưng mưa lụt kéo dài, không hong phơi được, do đó bị hư hỏng nhiều, số còn lại gạo chuyển sang màu đen, ăn lật cật, không ngon. Hầu hết bà con trong xã đều phải ăn gạo từ lúa đã lên mầm...
Thực tế này không chỉ xảy ra ở huyện Nam Đàn mà phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng lò sấy nông sản, cụ thể tại Quyết định số 19/2009 của UBND tỉnh đã có cơ chế, hỗ trợ 40% giá trị lò sấy công suất 300 - 500 kg/lần sấy ở miền núi, và 20% đối với vùng đồng bằng, hỗ trợ 20% lò có công suất 2.000 kg trở lên/lần sấy. Tiếp đó, Quyết định số 10/2010 của UBND tỉnh cũng có các chính sách hỗ trợ xây dựng lò sấy nông sản. Tuy nhiên, đến nay chính sách này vẫn không triển khai được. Ông Nguyễn Thọ Cảnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết: Trong thời gian qua, hàng năm đều lên kế hoạch chi kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ máy sấy nông sản, nhưng trên thực tế không triển khai được vì chưa có địa phương nào xây dựng được máy sấy liên hộ. Do đó, nguồn kinh phí này phải điều chuyển sang nội dung khác của chính sách.
Theo lý giải của ông Nguyễn Thọ Cảnh thì máy cày, máy gặt... đối với nông dân quan trọng hơn vì nó phục vụ được nhiều trong sản xuất. Còn máy sấy thực ra một năm chỉ dùng được khoảng 2 tuần, còn lại máy không dùng đến. Xu hướng hiện nay đối với sản xuất vụ đông, Sở Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương không chỉ trồng ngô, lạc, ngoài ra tích cực mở rộng diện tích trồng rau màu, củ, quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà không cần đến máy sấy.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Duy Thiều - Phòng Kế hoạch tài chính Sở Nông nghiệp cho biết thêm: Trong chính sách hỗ trợ máy nông nghiệp theo Quyết định 19 và Quyết định 10 của UBND tỉnh đều có hỗ trợ máy sấy nông sản. Nhưng những năm qua chỉ triển khai được đối với máy cày, máy gặt, máy hái chè. Chủ trương khuyến khích doanh nghiệp, hộ nông dân, đặc biệt là HTX xây dựng lò sấy đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào mạnh dạn làm.
Đối với HTX, kể cả cho lồng ghép các chương trình khác để thực hiện xây dựng lò sấy nông sản ở các huyện, xã, phục vụ sấy nông sản cho bà con, nhưng kết quả thực hiện không nhiều. Những năm trước ở Tân Kỳ, Hưng Nguyên đã xây dựng được một số lò sấy thủ công, song không phát huy được. Hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, tự phơi ở sân nhà. Những năm thời tiết bình thường, không có nhu cầu sấy, riêng năm 2011 này mưa nhiều, nhu cầu cần máy sấy xuất hiện. Sở dĩ các doanh nghiệp không mặn mà vì suất đầu tư lớn, thiết bị đi kèm phải đầu tư hàng trăm triệu đồng. Do vậy, mặc dù tỉnh có chính sách hỗ trợ nhưng từ năm 2009 đến nay, không có đơn vị nào đầu tư xây dựng lò sấy.
Trở lại huyện Nam Đàn, ông Nguyễn Hữu Nhuần- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hàng năm, toàn huyện Nam Đàn sản xuất từ 6.200 - 6.700 ha lúa hè thu. Vụ hè thu năm 2011 có tổng sản lượng thu hoạch 30.000 - 32.000 tấn, trong đó khoảng 1/4 sản lượng thóc kém chất lượng do mưa kéo dài không phơi sấy được. Thiệt hại sau thu hoạch rất lớn, nhiều hộ tuy có sản lượng thu hoạch hàng tạ, hàng tấn nhưng lúa bị ướt lâu ngày mọc mầmphải chuyển sang làm thức ăn cho chăn nuôi.
Bình quân mỗi nhà thu hoạch khoảng 1 tấn lúa thì bị hỏng 3- 4 tạ. Đối với cây ngô, những năm trước cả huyện thường sản xuất từ 2.500 - 3.000 ha ngô, tới vụ thu hoạch gặp mưa kéo dài, không phơi được, ngô nảy mầm ngay trên bông, có nhiều hộ thu hoạch 2- 3 tạ ngô chỉ còn 20- 30 kg. Như vậy, nhu cầu máy sấy là rất cần thiết. Vậy tại sao người nông dân chưa sử dụng máy sấy sản phẩm? Bởivốn đầu tư chomáy sấy lớn so với một hộ nông dân, trong khi sản phẩm của một hộ dân không nhiều so với mua máy sấy nông sản. Máy sấy 2 tấn/ngày giá 40 triệu đồng/máy (giá năm 2009).
Nếu mua máy sấy từ 20 - 40 triệu đồng/máy, trong khi chính sách hỗ trợ 20% giá máy, có nghĩa hỗ trợ từ 2- 8 triệu đồng/máy và hỗ trợ lãi suất cho 80% số tiền còn lại mà người dân bỏ ra đầu tư. Máy sấy không phải mùa nào cũng sử dụng được vào sản xuất. Mua máy sấy về thời tiết bình thường thì không sử dụng, đắp chiếu nằm đó, lâu ngày hỏng. Nhà nước hỗ trợ theo chính sách trên thì nông dân khó thực hiện.
Trong điều kiện thời tiết như năm 2011, nông dân cố gắng xử lý bằng lò sấy thủ công thì phù hợp hơn. Tổng chi phí làm lò sấy thủ công chưa đến 1 triệu đồng/lò, gồm một cái quạt tự chế nhỏ, hệ thống đường ống dẫn khí nóng bằng tôn dài 2- 3 mét, lò đốt bằng than tổ ong, có thể sấy được 2- 4 tạ lúa/ngày. Nhà nước nên khuyến khích nông dân xây dựng lò sấy thủ công, hoặc Nhà nước sản xuất đồng loạt công cụ sấy thủ công để cung ứng cho nhân dân sẽ phù hợp hơn với điều kiện sản xuất nhỏ lẻ hiện nay.
Ông Nguyễn Đức Thọ- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Vụ mùa năm 2011, Nghi Lộc bị lụt 1.500 ha lúa ngâm trong nước, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Trên thực tế nhu cầu máy sấy rất thiết thực cho vụ mùa, đặc biệt năm 2011 này mưa kéo dài hơn 2 tháng. Nhưng bất lợi ở chỗ năm nào mưa nhiều, người dân mới cần đến máy sấy, không mưa thì phơi. Trong thời gian qua, tại HTX nông nghiệp Nghi Lâm cũng có máy sấy nhưng không phát huy hiệu quả, do nông dân chưa có thói quen tập trung sấy bằng máy. Do vậy, trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, với khối lượng sản phẩm không lớn, cộng với khó khăn đến bất chợt của điều kiện tự nhiên, chính sách Nhà nước nên hỗ trợ máy sấy nhỏ, thậm chí là máy thủ công sẽ phù hợp, thiết thực hơn.
Quỳnh Lan
Nguồn: Báo Nghệ An (27/12/2011)