Chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân là người con ưu tú của đất nước, quê hương, dòng tộc. Là một trong những yếu nhân có vai trò ảnh hưởng to lớn đến phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc trong những năm đầu của Thế kỷ XX. Không chỉ Đặng Thái Thân, mà cả gia đình đã trọn vẹn cống hiến hy sinh vì đất nước, quê hương.
Chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân, hiệu là Ngư Hải; sinh năm Quý Dậu (1873), tại Thôn Mỹ Chiêm, tổng Đặng Xá, huyện Chân Lộc (Nay là xóm 4, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc), tỉnh Nghệ An. Nguyên quán: Làng Hải Côn, Tổng Đặng Xá (nay là xã Nghi Thái), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, là hậu duệ của các Anh hùng Dân tộc Đặng Tất, Đặng Dung.
Ông sinh ra trong một gia đình Nho học, ông nội và cha đều vừa dạy học, vừa làm thầy thuốc. Từ nhỏ ông đã rất thông minh, học giỏi, thi đỗ đầu xứ nên được gọi là Đầu xứ Đặng. Tuy học giỏi nhưng ông không theo con đường khoa bảng để có cuộc sống quan trường. Trước cảnh nước mất, nhân dân nô lệ lầm than, lớn lên Ông quyết đi theo con đường cứu dân, cứu nước.
Trong thời gian đi học tại thầy giáo Nguyễn Thức Tự ở làng Đông Chữ (xã Nghi Trường - Nghi Lộc) Ông đã kết giao với cụ Phan Bội Châu, cũng là người học giỏi đầu Xứ Nam, Hai tư tưởng lớn gặp nhau với tâm nguyện muốn giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.
Năm 1904, Ông cùng với cụ Phan Bội Châu và một số nhân sỹ, sỹ phu yêu nước thành lập Hội Duy Tân khởi xướng phong trào Đông Du nhằm tìm kiếm con đường cách mệnh.
Khi cụ Phan và một số nhà yêu nước sang Nhật, mọi công việc của Hội Duy Tân đều được cụ Phan giao lại cho Đặng Thái Thân điều hành. Ông đã vào Nam, ra Bắc, đi khắp mọi nơi để vận động nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, thanh thế của Hội ngày càng được nâng cao, được nhiều Sỹ phu, nhân sỹ, các tầng lớp nhân dân, có cả quan lại, binh lính triều đình hưởng ứng.
Tháng 9 năm 1908, Chính phủ Nhật thi hành hiệp ước Pháp - Nhật. Nhiều chí sĩ Đông Du bị trục xuất khỏi đất Nhật. Một số về Trung Quốc, một số về nước.
Ở trong nước, chính quyền thực dân ra sức đàn áp phong trào. Ngày 11/3/1910 Đặng Thái Thân bí mật về làng Phan Thôn (nay là xã Nghi Kim, TP Vinh) để tổ chức cuộc họp với các cộng sự thì bị bại lộ. Ông đã bố trí cho anh ẹm rút lui khỏi nơi họp, còn ông dùng súng bắn chết 2 tên địch, thủ tiêu hết toàn bộ tài liệu. Khi biết lực lượng địch khá đông, không thể chống cự và chạy thoát ông đã dùng súng tự kết liễu đời mình để không sa vào tay giặc. Đăng Thái Thân tự kết liễu cuộc đời khi tròn 37 tuổi.
Bà Trần Thị Út là vợ của Đặng Thái Thân là con của Tú tài Trần Huy Mận, là em của Cử nhân Trần Huy Thứ, người hoạt động cùng thời với Đặng Thái Thân. Sau hơn 10 năm sinh sống, nhưng Ông hoạt động nay đây mai đó, ít có khi được sống chung. Người con duy nhất của 2 ông bà là Đặng Thái Thuyến sau này cũng là một cán bộ của Đảng cộng sản Đông Dương hoạt động tại Xiêm là người giúp việc gần gũi với Bác Hồ khi Người ở Xiêm và về Hương Cảng. Đầu năm 1931 Ông bị bắt và bị kết án chung thân, đày đi Kon Tum và hy sinh tại đó. “Chồng là chiến sỹ trung kiên, con là đảng viên bất khuất”. Bà Trần Thị Út chính chuyên thờ chồng cho đến khi trút hơi thở cuối đời.
Năm 2003 Chủ tịch nước đã ký quyết định truy phong Bà Trần Thị Út là “Mẹ Việt Nam anh hùng”.
Để tưởng nhớ công ơn to lớn của chí sỹ Đặng Thái Thân, nhà cách mạng Đặng Thái Thuyến và gia đình, năm 2015 UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch Khu lưu niệm chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân.
Hiện nay thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân 2 xã Nghi Phong, Nghi Thái; Đảng bộ nhân dân huyện Nghi Lộc cùng Hội đồng gia tộc họ Đặng và sự đồng thuận của lãnh đạo xã Nam Thanh – Nam Đàn, UBND huyện Nghi Lộc sẽ tổ chức di dời phần mộ của chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân và Mẹ VNAH Trần Thị Út về Khu lưu niệm tại quê nhà thuộc xã Nghi Phong vào đúng dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của chí sỹ.
Không chỉ một con người, mà cả gia đình đã trọn vẹn cống hiến hy sinh vì đất nước. Công lao to lớn ấy khắc sâu trong tâm khảm mọi người dân quê hương. Chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc, xã Nghi Phong tiếp tục chăm lo để Khu lưu niệm của gia đình chí sỹ Đặng Thái Thân thành một địa chỉ truyền thống và xây dựng quê hương giàu dẹp văn minh, xứng đáng công lao của Người quá cố.
Hải Quang
Trung tâm VHTT - TT Nghi Lộc