Nghệ An. Ông là hậu duệ của Thái sư-Cương Quốccông Nguyễn Xí NguyễnDuy Trinh sinh ngày 15/7/1910 trong một gia đình nghèo tại làng (nay là xã PhúcThọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh
Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15/7/1910 trong một gia đình nghèo tại làng (nay là xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là hậu duệ của Thái sư-Cương Quốc công Nguyễn Xí - người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người có vai trò quyết định trong việc trừng trị các thế lực cơ hội đương thời, đưa Lê Tư Thành(Lê Thánh Tông) lên làm vua, mở đầu một thời kỳ phong kiến hưng thịnh ở Việt Nam. Nghi Lộc còn là quê hương của chi sỹ yêu nước Phan Hoàng Thái(triều Tự Đức) và nhà giáo trứ danh Nguyễn Thức Tự...; là quê hương của các vị cách mạng tiền bối Trương Vân Lĩnh, Đặng Thái Thuyến, Trần Văn Cung, Nguyễn Thức Mẫn, Hoàng Văn Tâm...
Chân dung Nguyễn Duy Trinh
Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo khổ, nhưng giàu truyền thống và cách mạng, lại ở trong một giai đoạn lịch sử đầy đau thương của đất nước, chứng kiến nỗi nhục mất nước của kiếp người nô lệ, mất độc lập tự do, Nguyễn Duy Trinh nung nấu một tinh thần căm thù giặc, một ý chí quyết tâm làm cách mạng cứu dân cứu nước.
Năm 1927, Nguyễn Duy Trinh tham gia các phong trào học sinh chống áp bức của bọn đế quốc phong kiến đòi tự do hoạt động ở thành phố Vinh. Năm 1928, Nguyễn Duy Trinh tham gia Đảng Tân Việt - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam, tich cực hoạt động ở Sài Gòn- Gia Định, bị thực dân Pháp bắt và kết án 18 tháng tù, trục xuất về quê.
Năm 1930, Nguyễn Duy Trinh là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảg cộng sản Việt Nam .
Trong cao trào cách mạng 1930-1931, ở huyện Nghi Lộc phong trào dấy lên từ những ngày đầu duy trì, phát triển mạnh mẽ, liên tục từ tháng 5/1930 đến tháng 5/1931. Trước tình hình đó, thực dân Pháp tìm đủ mọi cách để dập tắt phong trào. Hàng loạt cuộc vây bắt, truy lùng cán bộ, triệt phá làng mạc xẩy ra. Hàng trăm cán bộ, quần chúng cách mạng bị bắt bớ tù đầy và bị giết hại. Nhiều làng mạc bị lính đến quấy nhĩễu đốt phá. Ngày 13/9/1931, bọn bang tá và đoàn phu trong vùng bao vây cơ quan huyện uỷ Nghi Lộc, đồng chí Nguyễn Đình Diên cùng với một số cán bộ xứ uỷ, huyện uỷ bị sa lưới địch. Đây là tổn thất nặng nề cho Đảng bộ Nghi Lộc. Lúc này đồng chí Nguyễn Duy Trinh tham gia phong trào cách mạng ở Nam bộ, bị thực dân Pháp trục xuất về quê từ đầu năm 1931, đang bí mật hoạt động ở địa phương đã liên lạc với các đồng chí vừa thoát khỏi cuộc vây lùng của địch, tổ chức hội nghị lập ra Ban cán sự huyện uỷ, tiếp tục duy trì hoạt động của Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh được bầu làm Bí thư. Tổ chức Đảng vừa khôi phục, phong trào vừa nhóm lên, hoạt động chưa được bao lâu lại bị kẻ địch ráo riết khủng bố. Đến tháng 11/1931, các cấp bộ Đảng ở huyện Nghi Lộc tan rã.; phần lớn cán bộ đảng viên bị địch bắt. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một trong những người bị bắt cuối cùng trong đợt khủng bố ngày 18/12/1932.
Từ năm 1932 đến tháng 5/1945, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị lưu đày trong nhiều nhà tù khét tiếng tàn bạo của bọn thực dân phong kiến: nhà lao Vinh, ngục Kon Tum, nhà tù Côn Đảo...Nêu cao khí tiết của người cộng sản bất khuất kiên trung, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã coi nhà tù đế quốc là trận tuyến đấu tranh mới; tổ chức đoàn kết bạn tù bàn cách đấu tranh từ thấp lên cao, buộc kẻ thù phải giảm bớt chế độ lao tù khắc nghiệt, giành lấy sự sống: Sống để về với Đảng, với phong trào cách mạng của nhân dân.
Năm 1945, sau khi ra tù, đồng chí tham gia tổ chức khởi nghĩa ở Vinh và Huế.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Đại biểu Quốc hội khoá I bầu vào ban Thường vụ Xứ uỷ Trung bộ và làm Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính Trung bộ. Năm 1949, đồng chí làm Bí thư Liên khu uỷ V, kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Trung bộ. Tháng 3/1951, tại Đại hội lần thứ hai của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Cuối năm 1954, đồng chí làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng. Tháng 8/1955 được bầu vào Ban Bí thư Trung ương. Năm 1955, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1958, đồng chí làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, được Ban chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, sau đó kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước(1963-1964). Tháng 4/1965, đồng chí là Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 12/1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng và làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho đến năm 1980. Năm 1982, tại Đại hội lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được phân công Thường trực Ban nghiên cứu chiến lược kinh tế- xã hội của Trung ương Đảng và Chính phủ.
Đồng chí mất vào ngày 20/4/1985 tại Hà Nội, thọ 75 tuổi. Do có những thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng đồng chí Nguyễn Duy Trinh Huân chương Sao vàng – Huân chương cao quý nhất cả Đảng và Nhà nước ta.
Bảy mươi lăm tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục cả ba miền Trung, Nam, Bắc và với 57 năm tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Đảng, nhân dân tin cậy giao phó nhiều trọng trách. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí gắn bó với những trang sử hào hùng của Đảng cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
Từ một thanh niên yêu nước, qua chiến đấu và rèn luyện trong phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh trở thành chiến sỹ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, một học trò trung thành và gẫn gũi của Chủ tịch Hò Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã cống hiến suốt đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã sớm thoát ly gia đình tham gia phong trào cách mạng. Từ một thanh niên yêu nước đã trở thành đảnh viên cộng sản, thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Vượt qua bao chông gai thử thách, đồng chí đã thể hiện bản lĩnh của người cộng sản kiên cường. Chiến đấu trong lòng kẻ địch, không may sa vào tay giặc, đồng chí đã giữ trọn khí tiết của người cộng sản, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Ra khỏi nhà tù, tìm về với Đảng, đồng chí lăn lộn trong phong trào kháng chiến ở Liên khu V, xây dựng căn cứ địa, vùng tự do cách mạng ở Nam Trung bộ. Sự năng động trong thực tiễn đầy gian khổ, hy sinh mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh trải qua đã góp phần cùng với Đảng ta hình thành quan điểm, đường lối cách mạng đúng đắn.
Khi Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; trên cương vị là Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, ý thức được trách nhiệm trước công việc được giao, bằng tài năng và sáng tạo của bản thân, cùng với sự tin tưởng, tôn trọng ý kiến của nhiều người, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào chiến lược, sách lược về phát triển kinh tế và cải tạo xã hội, phát triển văn hoá sát với từng vùng, miền, từng thời điểm cách mạng, động viên được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào cộng sản và công nhân Quốc tế gặp nhiều khó khăn. Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã tham gia nhiều hội nghị của Bộ Chính trị, của Trung ương và Chính phủ để xây dựng hoàn thiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, phù hợp với tình hình, nhằm đoàn kết, tập hợp lực lượng quốc tế hiểu đúng Việt Nam, giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ.
Để thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, vận động bằng nhiều hình thức để tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng như sự ủng hộ của các nước thế giới thứ ba, các lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới, hàng loạt phái đoàn ngoại giao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ... đã được cử ra nước ngoài đều thực thi sứ mệnh vô cùng quan trọng đó. Ngoài các đoàn của nguyên thủ quốc gia, với cương vị là Bộ trưởng Bộ ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ nhiều nước và các tổ chức tiến bộ trên thế giới. Qua đàm phán, nhiều nguồn viện trợ đã được ký kết, nhiều tổ chức đoàn kết với Việt Nam được thành lập để ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Đó không chỉ là thắng lợi về chính trị ngoại giao mà cả về kinh tế, quốc phòng, đảm bảo nguồn lực cũng như hậu thuẫn rất cần thiết cho cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta, theo phương châm càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, để vững tin đi đến thắng lợi cuối cùng.
Tổ quốc và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ tài năng trí tuệ của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, người đã đi qua nhiều chức vụ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là 20 năm giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao góp phần không nhỏ vào chiến công chung của toàn dân tộc. Kinh nghiệm và bài học mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh để lại trên mặt trận ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị đối với quá trình hội nhập quốc tế của chúng ta hôm nay.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sống giản dị, cần kiệm, yêu mến nhân dân. Đó là đức tính mà đồng chí tiếp nhận từ gia đình, quê hương và được bồi đắp nuôi dưỡng trọn đời mình. Không phải trong thời kỳ hoạt động gian khổ, thiếu thốn mà sau khi cách mạng đã thành công, chuyển sang thời kỳ Đảng cầm quyền, bản thân đồng chí đã trở thành một cán bộ cao cấp, đồng chí vẫn giữ nếp sống giản dị, thanh đạm, chan hoà nhưng tâm hồn thì trong sáng ung dung, tự tại. Với tài năng, phẩm chất đạo đức ấy, đồng chí Nguyễn Duy Trinh thực sự là tấm gương sáng ngời để các thế hệ nối tiếp nhau học tập noi theo.
Đình Dương tổng hợp