Chùa
Sơn Hải là di tích lịch sử cấp tỉnh. Chùa được xây dựng vào thời Nguyễn tại xã La Hoàng, tổng La Hoàng, huyện
Chân Lộc (nay thuộc xóm Chùa, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Trải
qua các thời kỳ lịch sử, mặc dù địa danh có nhiều thay đổi nhưng di tích vẫn
giữ nguyên vị trí ban đầu. Đây là nơi thờ tự chư phật, bồ tát theo hệ phái Phật
giáo Bắc Tông. Do sự tàn phá của chiến tranh, một số đền miếu trong vùng bị hư
hỏng, nhân dân đã rước long ngai, bài vị, tượng một số vị thần, nhân vật lịch
sử về thờ hợp tự tại Chùa Sơn Hải, biểu biểu như:
1. Tam
Tòa Thánh Mẫu:
Tam
Tòa Thánh Mẫu trước đây được thờ tại Đền Nẻ, làng La Hoàng (nay là xóm Tân Sơn,
xã Nghi Yên). Theo truyền thuyết, Tam tòa thánh mẫu: gồm mẫu Liễu Hạnh, mẫu
Thượng Ngàn và mẫu Thoải, đây là 3 vị thần nữ nổi tiếng linh thiêng, thường
hiển linh hộ quốc tý dân, giúp đỡ người nghèo khó, trừng trị kẻ gian ác nên
được nhân dân lập đền thờ, trở thành nét tín ngưỡng đạo mẫu độc đáo của nhân
dân ta.
2.
Tứ Vị Thánh Nương, Bạch y công chúa:
Tứ
Vị Thánh Nương trước đây được thờ tại Đền Cửa Hiền, làng La Hoàng. Tín ngưỡng
thờ Tứ vị Thánh Nương là một tín ngưỡng phổ biến của cư dân vùng ven biển. Theo
sự tích thì Tứ Vị Thánh Nương là Thái Hậu, Hoàng hậu và hai công chúa của nhà
Tống gặp nạn trên biển và trôi dạt vào vùng biển nước ta. Linh hồn Tứ Vị Thánh
Nương đã nhiều lần linh ứng, phù hộ cho nhân dân và đất nước.
Bạch
Y Công chúa trước đây được thờ tại Đền Bạch Y, làng La Hoàng. Tương truyền,
Bạch Y Công Chúa là con gái Hồ Qúy Ly, tài sắc vẹn toàn, được vua cha hết mực
yêu thương. Tuy nhiên vì thương nhân dân khổ cực trong việc đào Kênh Sắt (Kênh
Nhà Lê đoạn qua huyện Nghi Lộc) nên nàng đã lừa vua cha rằng việc đào kênh đã
chạm phải long mạch. Sự việc bại lộ, công chúa bị giết. Cảm thương Công chúa
nhân dân đã lập một ngôi đền thờ ngay
cạnh Hòn Nẻ gọi là đền thờ Bạch Y Công Chúa.
3.
Thần Cao Sơn Cao Các:
Theo
truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, Cao Sơn, Cao Các là những vị quan dưới
chế độ phong kiến luôn có lòng khoan dung, đức độ, hết lòng vì cuộc sống của
nhân dân, giúp nhân dân phát triển kinh tế, phòng trừ thiên tai, địch họa, sau
khi các ông mất được nhân dân nhiều nơi trên cả nước lập đền thờ và tôn xưng là
thành hoàng làng;
4.
Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn:
Sát
Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn trước đây được thờ tại Đền Lài, làng La Hoàng. Sát
Hải Đại Vương tên thật là Hoàng Tá Thốn. Ông là một vị tướng tài ba, có nhiều
công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ
13. Sau khi mất thì hiển linh thành phúc thần. Nhân dân làng La Hoàng, xã Nghi
Yên nhớ ơn Ngài nên lập đền thờ phụng.

Chùa Sơn Hải
Chùa
Sơn Hải là công trình cổ kính, nơi kết tinh nhiều giá trị quý báu, độc đáo về
lịch sử, văn hóa.
Về
giá trị lịch sử: Chùa Sơn Hải là công trình kiến trúc tín ngưỡng được xây dựng
vào thời Nguyễn để thờ Phật. Đồng thời, đây còn là nơi hợp tự nhiều vị thần,
nhân vật lịch sử có nhiều cống hiến cho
quê hương đất nước được sử sách và nhân dân ghi nhận. Tại di tích còn lưu giữ
nhiều cổ vật có giá trị như: tượng Phật, tượng thần, hương án, lư hương...
Những cổ vật này giúp các nhà khoa học có thêm tư liệu để nghiên cứu về nghệ
thuật điêu khắc dân gian, kỹ thuật sơn thếp, sự thay đổi y phục qua các thời
đại và trang phục của các tầng lớp xã hội. Các tài liệu văn tự như đại tự, câu
đối, biển gỗ... là những tư liệu quý phục vụ ngành địa phương học, nghiên cứu
văn hóa làng xã, giúp chúng ta hiểu hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử của
vùng đất này. Qua việc tìm hiểu và nghiên cứu đã cho chúng ta những tư liệu quý
giá, xác thực về sự phát triển của Đạo Phật, về lịch sử phát triển của các loại
hình nghệ thuật như chạm khắc gỗ, kỹ thuật tạo hình trên nhiều chất liệu như
gỗ, đồng... Những điều đó đã bổ sung vào kho tư liệu quý giá về lịch sử phát
triển các loại hình nghệ thuật cổ độc đáo của dân tộc Việt.
Về giá
trị Văn hoá: Chùa Sơn Hải là công trình tín ngưỡng, là địa điểm sinh hoạt văn
hoá tâm linh của nhân dân trong vùng và du khách thập phương từ bao đời nay,
với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng cả về phần hội và phần lễ. Các hoạt động
tín ngưỡng tại chùa không những đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tâm linh của
nhân dân địa phương mà còn giúp con người hướng thiện, cố kết cộng đồng. Thông
qua các hoạt động thờ phụng, tế lễ tại chùa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn
tốt đẹp vốn có từ lâu đời của địa phương nói riêng và dân tộc Việt Nam nói
chung. Ngoài những ngày lễ chính tại Chùa như: lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ giỗ
Đức Thánh Mẫu, thì hàng ngày, rất đông người dân và du khách đến đây để thắp
hương lễ bái thần phật, cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, đồng thời
thắp lên ngọn lửa của tình yêu thương, từ bi của con người. Đó là một nét văn
hoá tâm linh đẹp và rất đáng quý của người Việt đang được lưu giữ và phát huy
tại đây. Các hoạt động thờ phụng, tế lễ tại chùa còn phản ánh phần nào các
phong tục, tập quán, tín ngưỡng giàu bản sắc đang được bảo tồn, lưu giữ và phát
huy tại địa phương. Thông qua các hoạt động này, góp phần giáo dục truyền thống
tốt đẹp của quê hương, khuyến khích lòng yêu nước, tinh thần cố kết cộng đồng
của các thế hệ. Các hoạt động phần hội độc đáo được lưu truyền từ xa xưa như
thi đánh cờ người, đi cà kheo…góp phần nâng cao đời sống tinh thần, bảo tồn nét
đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
Về giá
trị khoa học, thẩm mỹ: Hiện nay, chùa Sơn Hải còn lưu giữ được một số công
trình kiến trúc cổ là Tam quan và tòa thứ hai, kết cấu khá đẹp, cùng với hệ
thống cây cổ thụ tạo nên vẻ đẹp cổ kính thanh tao của chốn thiền môn. Người xưa
chọn vị trí cao ráo, thoáng rộng, nằm thoai thoải trên gò đất cao, có núi, có
biển bao bọc, ngày đêm thông reo, sóng vỗ. Vị trí địa lý của Chùa đã thể hiện
được phong thuỷ tốt. Trang trí trên các chi tiết gỗ với những hình tượng vân
mây, hoa văn hình học cách điệu, hình sống khế, bằng kỹ thuật chạm bong tạo nên
sự thanh thoát, uyển chuyển của cấu kiện.
Tam
quan chùa Sơn Hải là công trình kiến trúc gốc còn khá nguyên vẹn, đây thực sự
là điểm nhấn của di tích, tạo nên ấn tượng trong lòng du khách khi đến với
chùa. Tam quan được xây bằng chất gạch thẻ, sò, mật mía đã tồn tại qua hàng
trăm năm. Giá trị về mặt nghệ thuật chủ yếu tập trung trên các chi tiết được
đắp bằng vôi vữa phản ánh được con mắt thẩm mỹ, phong cách sáng tạo của người
nghệ nhân xưa. Đáng chú ý là các mảng trang trí trên Tam quan. Đây là những tư
liệu sống động để thế hệ mai sau tìm hiểu nghiên cứu về các giá trị, phong cách
kiến trúc nghệ thuật của thời Nguyễn.
Tại
chùa Sơn Hải còn lưu giữ được một số pho tượng cổ kính có giá trị. Tượng làm
bằng chất liệu gỗ, đồng, được vẽ thủ công với màu sắc gần gũi rất đặc biệt mà
có lẽ chỉ có ở Việt Nam. Nhưng với bàn tay tài hoa và kỹ năng điêu luyện của
nghệ nhân chỉ những gam màu cơ bản đỏ, đen, vàng đã thể hiện bộ tượng phật
những nét chạm khắc mềm mại uyển chuyển thể hiện từ những chi tiết nhỏ. Đây là
những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cho muôn đời sau.
Nguyễn
Đình Dương
Phòng
VHTT huyện
|